Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng vừa ký kết ban hành Thông tư 11 về triển khai gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ mua nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02 của Chính phủ đã mở ra cơ hội lớn mua nhà giá rẻ đối với người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, để chính sách trên đi vào cuộc sống và người có thu nhập thấp thật sự được hưởng lợi từ gói hỗ trợ này lại cần đến nhiều điều kiện khác nữa. Trong đó có việc các ngân hàng triển khai ra sao, vốn có đến đúng đối tượng được cho vay, hay là vốn ưu đãi này chạy ngoằn ngoèo, lắc léo rồi cuối cùng rơi vào tay của số ít nhóm người có lợi ích.
Sở dĩ đặt ra câu hỏi như vậy, bởi trong thời gian vừa qua xảy ra không ít các vụ án liên quan đến hoạt động ngân hàng. Cụ thể, theo thống kê của Viện KSND Tối cao, chỉ tính riêng trong năm 2010-2011, các cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra 69 vụ, khởi tố 40 vụ và 70 cán bộ ngân hàng, tổng số thiệt hại hơn 8.000 tỷ đồng và chỉ thu hồi được hơn 2.000 tỷ. Gần đây là các vụ bắt bầu Kiên, bắt lãnh đạo một số chi nhánh ngân hàng, phòng giao dịch... đã gây những hiệu ứng không tốt.
Nói như Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN Nguyễn Viết Mạnh: NHNN chỉ cung cấp vốn vay, hỗ trợ lãi suất và quy định thời gian. Còn các ngân hàng thương mại sẽ trực tiếp cho vay và chịu trách nhiệm về chất lượng tín dụng, rủi ro khoản vay như hoạt động cho vay thông thường. Vì vậy, với gói lãi suất 6%/năm (thấp hơn rất nhiều lãi suất cho vay hiện tại), không ai có thể chắc chắn rằng việc xét duyệt, thẩm định cho vay diễn ra một cách hoàn toàn trung thực. Như vậy không có nghĩa là người dân không tin ngân hàng, nhưng hiện tại có nhiều lo ngại xảy ra trường hợp doanh nghiệp lách luật khai man hợp đồng để tạo sự chênh lệch về giá nhằm hưởng lợi từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.
Đó là chưa kể đối tượng cho vay đối với người dân mua nhà thương mại có diện tích dưới 70m2 giá bán dưới 15 triệu đồng mỗi mét vuông cũng được hưởng ưu đãi này. Đồng thời, đối tượng được duyệt mua nhà ở xã hội bao gồm cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, công nhân làm việc tại khu công nghiệp, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị (là người không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân), hoặc những người có nơi ở chật chội dưới 5m2 sàn/người... Vì vậy, nếu làm không khéo sẽ kéo theo những hệ lụy khác như: xảy ra việc di dân từ các vùng, địa phương khác về đô thị, tăng thêm áp lực hạ tầng đô thị...
Đà Nẵng cũng như các địa phương khác đang hưởng ứng mạnh mẽ chủ trương của Chính phủ trong việc xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở quy mô nhỏ phục vụ những người nghèo, thu nhập thấp. Do đó, việc giải quyết tốt thông tư vừa được ban hành cũng như cho vay đúng địa chỉ, đúng đối tượng, nhanh, thuận tiện cho các trường hợp được vay nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Đồng thời, điều này cũng sẽ góp phần giúp giải quyết nhu cầu thực, bức thiết của những người đang sống và làm việc ở đô thị.
Việc NHNN và Bộ Xây dựng công bố thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ khiến nhiều người dân và cả doanh nghiệp kỳ vọng sớm tiếp cận được nguồn vốn này. Hiện nay, một bộ phận lớn người nghèo còn thiếu nhà, nếu giải quyết được nhà ở cho người nghèo thì cùng lúc làm được nhiều việc, vừa tạo kích cầu cho nền kinh tế tăng trưởng, vừa tạo điều kiện cho mọi người dân được hưởng lợi ích. Nhưng để kiểm soát được gói tín dụng này đến với người dân thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành như Ngân hàng, Bộ Xây dựng và chính quyền các địa phương.
Điều mà nhiều người dân mong đợi nhất là để gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đi vào cuộc sống không chỉ là động lực “hâm nóng” thị trường bất động sản mà thật sự là cơ hội tạo lập nơi ở mới cho đối tượng mua nhà ở xã hội.
PHƯƠNG UYÊN