.

Để hàng Việt thật sự có chỗ đứng

“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là cuộc vận động lớn được đông đảo người dân Việt Nam ủng hộ. Đó là chủ trương đúng đắn không phải bàn cãi khi sản phẩm hàng hóa nước ngoài thâm nhập bất hợp pháp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Các báo cáo gần đây cho biết, xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam đối với hàng Việt đang dần được củng cố với tỷ lệ 71% người tiêu dùng tin tưởng hàng Việt Nam chất lượng cao. Đây là minh chứng rõ nét cho việc thương mại nội địa thật sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho hàng hóa Việt Nam, thúc đẩy sản xuất trong nước, góp phần kiềm chế nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội như mục tiêu của Chính phủ đề ra.  

Tuy nhiên, khảo sát tại những siêu thị ở địa phương sẽ thấy rõ, trong rất nhiều nhóm hàng được bày biện trên các quầy kệ, hàng Việt chưa hẳn chiếm ưu thế, mặc dù đại diện các nhà bán lẻ vẫn công bố con số từ 80-90% hàng hóa tại đây là hàng trong nước.

Cách đây vài ngày, tại Đà Nẵng, lần đầu tiên những nông dân chính hiệu được mời đến UBND thành phố để bàn giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ hàng nông sản qua các kênh phân phối. Một con số khiêm tốn được công bố khiến người tiêu dùng trong nước không khỏi thất vọng khi chỉ có 5% sản phẩm địa phương vào được siêu thị, chưa kể tỷ lệ hàng Việt trong các chợ truyền thống rất ít ỏi, trong khi hệ thống bán lẻ truyền thống này chiếm tới hơn 90% mạng lưới phân phối của cả nước. Thế nên, dù hàng Việt đầy ắp trong các siêu thị thì với tỷ lệ chỉ chiếm hơn 5% mạng lưới phân phối, hàng Việt vẫn chưa ấn tượng với người dân trong nước. Lỗi tại ai khi cả nhà sản xuất lẫn tiêu dùng đang loay hoay “ưu tiên hàng Việt”, nhưng để hàng Việt có chỗ đứng mạnh hơn vẫn là bài toán đang tìm lời giải.

Khách quan mà nói, chúng ta đang trên bước đường mở cửa hội nhập, sẽ rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm thấy cơ hội ở thị trường bán lẻ Việt Nam. Vì thế, không lý gì chúng ta chỉ dùng hàng nội bộ mà tẩy chay hàng của bạn. Không chỉ nói lấy được khi cứ chăm chăm đề cập đến lòng tự tôn dân tộc mà quên mất khi chúng ta phải mở cửa để tạo sân chơi công bằng cho nền kinh tế. Không thể thiển cận với lối nghĩ: Tôi yêu hàng Việt có nghĩa là tôi phải sử dụng hàng Việt, mà phải xem hàng Việt đó có thật sự có chất lượng hay không mới dùng. Ngược lại, tâm lý sinh ngoại, chê hàng nội địa chính là không kích thích sự phát triển của hàng hóa trong nước, làm thui chột sự sáng tạo của những nhà sản xuất.

Nhìn vào các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, cho dù nhiều sản phẩm tiêu dùng của người dân phải nhập khẩu từ các nước khác trên thế giới, nhưng khi sản xuất được sản phẩm cùng loại, chính quyền vẫn khuyến khích người dân dùng hàng tự làm ra. Đó chính là cách để giúp các thế hệ người bản địa tự hào với thành quả lao động của đất nước mình. Có điều, nhà sản xuất và kinh doanh trong nước phải biết chọn thời cơ để biến những sản phẩm trong nước trở thành thế mạnh trên sân nhà.

Bàn về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, không thể kêu gọi người dân yêu nước bằng cách sử dụng hàng Việt trong khi hàng đó không đáp ứng được yêu cầu của người dân. Đó là sự ép buộc và không bền vững. Nó không phải là phong trào chớp nhoáng, bùng lên rồi nhanh chóng tắt ngấm mà là quá trình vận dụng nghiêm túc. Và để cuộc vận động này thật sự có ý nghĩa, mỗi nhà sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng phải đặt mình trong lợi ích chung của đất nước.

HỒNG ANH

;
.
.
.
.
.