.

Để luật sớm đi vào cuộc sống

Từ ngày 1-5-2013, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) có hiệu lực thi hành, quy định xử phạt nghiêm đối với cả người bán lẫn người mua và hút thuốc lá. Trong đó, mức phạt đối với hành vi hút thuốc tại nơi công cộng tăng gấp 3 lần. Dư luận đang băn khoăn về tính khả thi của luật.

Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có số lượng người hút thuốc lá (HTL) cao hàng đầu thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan thuốc lá. Con số này sẽ tăng lên tới 70.000 người vào năm 2030, gấp 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ tại nước ta mỗi năm. Những số liệu này cho thấy sự cần thiết phải ban hành Luật PCTHTL bởi đây là đạo luật về bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Cách đây 8 năm, hành vi HTL ở nơi công cộng (rạp hát, rạp chiếu phim, phòng họp, phòng làm việc, bệnh viện, thư viện, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng, trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc ở những nơi công cộng khác có quy định cấm) đã có quy định xử phạt hành chính tại Điều 16, Nghị định số 45 từ năm 2005. Thế nhưng, quy định này không đi vào cuộc sống, có cũng như không, chẳng phạt được ai cả. Thực tế vẫn hiển hiện ngay trong những ngày đầu Luật PCTHTL có hiệu lực thi hành thì tại những nơi công cộng, khói thuốc vẫn mù mịt một cách vô tư. Nhiều người biết có quy định xử phạt hành chính đối với hành vi HTL tại nơi công cộng. Nhưng ai phạt? Câu hỏi này vốn không có câu trả lời từ cách đây 8 năm. Cũng nhiều người không hề biết có quy định này bởi không phải ai cũng đọc báo, xem đài. Nguyên nhân có quy định xử phạt này là do tỷ lệ người HTL còn quá cao dẫn đến tình trạng phổ biến người người HTL, khắp nơi nơi đầy khói thuốc lá.

Mặt khác, việc bố trí khu vực dành riêng cho người HTL có quá ít, thậm chí là không có. Do hạn chế của công tác tuyên truyền nên hiểu biết của người dân về tác hại thuốc lá đối với sức khỏe và mối nguy cơ do HTL chưa đầy đủ.

Trách nhiệm xử phạt vi phạm chủ yếu được giao cho lực lượng thanh tra y tế nhưng khó khả thi vì hơn 320 thanh tra viên y tế của cả nước không thể phủ hết các nơi công cộng, chưa kể họ còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác. Luật quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có quyền buộc người HTL chấm dứt hành vi và xử phạt hành chính hành vi HTL cũng rất khó khả thi.

Luật PCTHTL được ban hành là cần thiết, đáp ứng yêu cầu để bảo vệ sức khỏe nhân dân, song phải làm cho luật đi vào cuộc sống. Chỉ đề cập về hành vi HTL tại nơi công cộng  thì cấm thôi chưa đủ, phải có lực lượng xử phạt và xử phạt nghiêm khắc, triệt để với mức phạt tiền phải thật nặng, có tính răn đe. Ví như hành vi này tại Singapore sẽ bị phạt mức tiền tương đương 17 triệu đồng Việt Nam. Để giảm số người HTL như mục đích của Luật PCTHTL, biện pháp xử lý hành chính hành vi HTL phải đồng bộ với các biện pháp về kiểm soát sản lượng sản xuất thuốc lá, biện pháp về thuế đối với kinh doanh thuốc lá, chống buôn lậu thuốc lá...

Về lâu dài, công tác tuyên truyền về PCTHTL phải góp phần nâng cao nhận thức về nguy cơ do HTL và thay đổi hành vi của người HTL. Cần xây dựng được văn hóa không HTL tại nơi công cộng, tiến tới nâng dần lên thành chuẩn mực đạo đức xã hội. Hành vi HTL nơi công cộng bị cộng đồng phản ứng, tẩy chay khiến người HTL phải suy nghĩ cân nhắc trước khi hút. Bên cạnh đó cần có những chế tài nghiêm khắc đối với hành vi này. Có như vậy luật mới đi vào cuộc sống.

ĐAN LÊ

;
.
.
.
.
.