.

Để thu ngân sách đạt hiệu quả

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp (DN) phải giảm quy mô, ngừng hoạt động, thậm chí phá sản. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế chung của thành phố cũng như công tác thu ngân sách trên địa bàn... Chính vì vậy, làm thế nào để thu đạt chỉ tiêu ngân sách đang là vấn đề nóng bỏng hiện nay.

2012 là năm đầu tiên ngành Thuế thành phố không hoàn thành nhiệm vụ thu, 4 tháng đầu năm 2013 kết quả thu cũng không như kỳ vọng, do vậy không chỉ những người trực tiếp làm công tác thu, mà lãnh đạo thành phố cũng hết sức trăn trở với công tác này.

Trên thực tế, kinh tế khó khăn ảnh hưởng lớn đến nhiều doanh nghiệp (DN), số thu ở nhiều lĩnh vực, loại hình DN giảm hơn cùng kỳ, việc chây ì, trốn thuế, khai gian thuế, thất thu thuế còn khá phổ biến, nợ quá hạn ở các DN có xu hướng tăng cao... Trong khi đó, công tác thanh kiểm tra còn nhiều bất cập đã ảnh hưởng đến tiến độ thu.

Trước tình hình như vậy, việc triển khai các biện pháp chống thất thu thuế được xem là bước đi hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, bởi để bảo đảm được nguồn chi thì nguồn thu phải có. Việc tập trung đôn đốc thu nợ, chống thất thu thuế, chống gian lận, chuyển giá... là một trong những biện pháp căn cơ để tăng thu, ổn định nguồn thu cho ngân sách. Vì vậy, công tác thu trong thời gian tới cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, chứ không riêng gì ngành Thuế và Hải quan.

Không phủ nhận sự cố gắng của các cơ quan thu, nhưng chưa bao giờ công tác thu ngân sách gặp khó khăn như thời gian gần đây. Số thu không đạt đều ở hầu hết các quận, huyện, tình hình nợ đọng thuế, gian lận thuế xảy ra ở nhiều nơi... Ở thời điểm này cần phải có những giải pháp đặc biệt để đẩy mạnh nguồn thu. Do vậy, bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ của ngành Thuế, Hải quan, thì sự phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan như Công an, Quản lý thị trường, Kho bạc, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng... trong công tác quản lý và cưỡng chế nợ thuế cũng hết sức quan trọng.

Mặc dù chúng ta ngày càng có nhiều nỗ lực, nhưng các biện pháp chống thất thu, nợ đọng thuế xem ra chưa hữu hiệu, dường như chúng ta mới tận thu được với các đơn vị và công dân gương mẫu trong nghĩa vụ thuế, còn những người cố tình chây ì, trốn thuế thì vẫn còn đó. Cái thiếu hiện nay là các chế tài xử phạt, sự phối hợp còn lỏng lẻo ở các cơ quan chức năng, đồng thời năng lực của cán bộ thuế vẫn chưa đáp ứng được tình hình mới... Tình trạng này không những gây tổn hại cho lợi ích của đất nước mà còn tạo ra sự bất bình đẳng về nghĩa vụ thuế của công dân, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN.

Vì thế, tại hội nghị bàn về các biện pháp chống thất thu thuế mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cho rằng, cùng với việc tăng cường các đợt cao điểm kiểm tra về thuế, không lạm thu mà phải nuôi dưỡng nguồn thu vốn có, đẩy mạnh công tác chống thất thu đi đôi với giảm nợ đọng thuế. Ngoài ra, các đơn vị cũng quyết liệt thu hồi hết các khoản nợ, không để phát sinh nợ thuế, nợ phạt quá hạn, đồng thời kiểm soát chặt DN chống gian lận thuế, chuyển giá... để tăng thu cho NSNN.

PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.