Nên đưa triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam ra thế giới để tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với cuộc đấu tranh của Việt Nam bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo này. Đó là ý kiến của nhiều vị khách nước ngoài trong những ngày đầu đến xem triển lãm “Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” do thành phố Đà Nẵng tổ chức dành cho người nước ngoài (từ ngày 29-4 đến 15-5).
Các tư liệu, bản đồ mà Đà Nẵng đưa ra trong cuộc triển lãm chỉ là một phần nhỏ trong kho tư liệu rất lớn mà Việt Nam đang nắm giữ. Tư liệu và bản đồ được triển lãm có nguồn gốc từ các nước Anh, Pháp, Đức, Canada, Hong Kong và cả Trung Quốc xuất bản trong giai đoạn 1626-1980. Thời điểm (năm 1626) các nước phương Tây bắt đầu xuất bản bản đồ (có liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa) trùng khớp với thời điểm người Việt Nam phát hiện, tiến hành khai thác, xác lập chủ quyền và quản lý Hoàng Sa, Trường Sa từ thế kỷ 17. Bản đồ của các nước phương Tây chia thành các nhóm: nhóm bản đồ châu Á, Đông Nam Á thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh hải Việt Nam; nhóm bản đồ thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa nằm sát lãnh thổ Việt Nam; nhóm bản đồ thể hiện biên giới cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam (bao gồm cả bản đồ do Trung Quốc xuất bản).
Cuộc triển lãm cung cấp cho người nước ngoài cái nhìn đây là những bằng chứng lịch sử chân thực, khách quan, là sự thật, chân lý được thế giới lúc đó thừa nhận: Việt Nam là nước duy nhất xác lập chủ quyền và quản lý đối với Hoàng Sa, Trường Sa cho đến khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm. Ngay cả các bản đồ Trung Quốc đến năm 1933 cũng thể hiện sự thừa nhận này.
Điều đó chứng tỏ “Đường lưỡi bò chín đoạn”, bản đồ lãnh thổ Trung Quốc vẽ thêm Hoàng Sa, Trường Sa (dưới những cái tên khác) cùng hành động dùng vũ lực chiếm đóng trái phép Hoàng Sa và một số bãi cạn thuộc Trường Sa sau này là những bằng chứng về sự bịa đặt, xuyên tạc của chính quyền Trung Quốc. Trung Quốc chưa bao giờ kiểm soát được toàn bộ Biển Đông như họ vẽ cũng như có được những bằng chứng lịch sử, bằng chứng pháp lý thuyết phục như Việt Nam trong xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Cái họ vẽ, điều họ làm chỉ chứng tỏ âm mưu độc chiếm Biển Đông mà động thái mới nhất của họ là tổ chức đưa khách du lịch ra Hoàng Sa. Những việc làm này cho thế giới thấy một hình ảnh Trung Quốc đang chà đạp lịch sử, bất chấp luật pháp quốc tế, áp đặt “chân lý” của kẻ mạnh cũng như cách hành xử “nói một đằng, làm một nẻo” thường thấy của họ.
Trong những ngày đầu mở cửa, cuộc triển lãm “Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người nước ngoài. Nhiều khách nước ngoài đánh giá rất cao về giá trị của các tư liệu, bản đồ. Nếu tư liệu, bản đồ này được phổ biến ra phạm vi toàn thế giới sẽ tranh thủ được sự ủng hộ rất lớn của cộng đồng quốc tế cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
Đất nước thống nhất đã 38 năm nhưng bài học về tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam vẫn còn nóng hổi. Điều chắc chắn rằng, một khi Việt Nam chứng tỏ được sự thật, công lý và chính nghĩa của cuộc đấu tranh một cách hòa bình để đòi Hoàng Sa trả về cho Việt Nam, các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới sẽ tiếp tục kề vai sát cánh bên Việt Nam trong cuộc đấu tranh này.
HOÀNG ANH