.

Đừng để thua trên sân nhà!

1. Một du khách người Pháp khi đến Đà Nẵng nói rằng, anh rất thích thành phố này vì phong cảnh đẹp, môi trường trong lành và người dân địa phương thân thiện. Thế nhưng, khi hỏi anh mua gì về làm quà tặng cho người thân, anh nhún vai, lắc đầu vì chưa biết mua gì cả.

Một du khách Hà Nội đã vài lần đến Đà Nẵng cũng thừa nhận rằng, thành phố như một “thiếu nữ đang đến độ xuân thì”, mỗi lần đến là một lần cảm nhận sự đổi thay kỳ diệu. Tuy nhiên, “ở Đà Nẵng cái gì cũng có, biển có, núi có, sông có, nhưng khi muốn tìm các sản phẩm lưu niệm mang tính đặc trưng để làm quà tặng thì hầu như rất ít”, vị du khách này nhận xét.

Không chỉ du khách từ nơi xa đến mà kể cả người Đà Nẵng khi muốn tặng quà cho bè bạn ở các nơi cũng khó tìm ra một sản phẩm nào đó có mang biểu tượng của thành phố mình.

2. Một người bạn của tôi khi đi du lịch Thái Lan về rất hồ hởi vì mua được nhiều quà lưu niệm đặc trưng của xứ sở này mà lại rất gọn nhẹ và rẻ. Bạn cho biết, ở Thái Lan có cả một khu chợ đêm bày bán hàng trăm sản phẩm lưu niệm, bên cạnh đó còn có các dịch vụ phục vụ nhu cầu ăn uống, vui chơi và giải trí nên đêm nào cũng thu hút rất đông khách du lịch đến đây.

Điều này vừa tạo cơ hội cho ngành du lịch Thái Lan “hái ra tiền”, vừa giúp quảng bá hình ảnh đất nước này đến với bạn bè quốc tế.

Không chỉ ở Thái Lan mà khi đi du lịch ở nhiều nước trên thế giới, du khách đều dễ dàng mua được những món quà đơn giản mà ý nghĩa, tất nhiên là hầu hết đều gắn với biểu trưng, biểu tượng của quốc gia hay một địa phương nào đó. Đà Nẵng có logo từ nhiều năm nay, ngoài ra còn có nhiều cảnh đẹp làm biểu tượng cho thành phố như cầu Sông Hàn, Ngũ Hành Sơn, Bà Nà,… chứng tỏ Đà thành không hề thiếu tiềm năng. Nếu làm ra các sản phẩm lưu niệm gắn với những biểu tượng của thành phố thì khách đến Đà Nẵng khó lòng bỏ qua chuyện mua về làm quà lưu niệm. Thế nhưng, các sản phẩm lưu niệm của Đà Nẵng một mặt rất ít, mặt khác lại khó cạnh tranh được với hàng xuất xứ từ Trung Quốc.

3. Cuối năm 2012, UBND thành phố ban hành Quyết định 55 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm du lịch của thành phố. Tính đến nay đã có 8 đơn vị được UBND thành phố phê duyệt tham gia chương trình.

Tuy nhiên, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện quyết định này được tổ chức vào ngày 24-5 vừa qua, trong hàng trăm sản phẩm của 8 doanh nghiệp được đem ra trưng bày vẫn có rất ít sản phẩm thật sự mang dấu ấn riêng của thành phố, đồng thời bảo đảm tính gọn nhẹ và hợp giá thành.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết nhận định: Sở dĩ các sản phẩm lưu niệm của Đà Nẵng ít được du khách lựa chọn vì chưa thật sự sắc sảo, hình thức và kiểu dáng chưa bắt mắt, trong khi tính liên kết hỗ trợ trong Hiệp hội Du lịch để giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm chưa cao. Thành phố đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ về nguồn vốn vay, về mặt bằng, tức là hỗ trợ về “sân bóng” và “khung thành” thì chính các doanh nghiệp phải là “tiền đạo” đá “trái bóng” làm sao không để thua ngay trên sân nhà. Để làm được điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên kết với nhau, các công ty lữ hành tạo điều kiện giúp quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp. Quan trọng là doanh nghiệp phải tự đứng trên đôi chân của mình trong việc đổi mới mẫu mã sản phẩm, cũng như cải tiến về chất lượng và kiểu dáng. Khi đã định vị sản phẩm của mình, doanh nghiệp tự khắc sẽ xây dựng được thương hiệu giúp hạ giá thành sản phẩm để dễ dàng cạnh tranh trên thị trường.

Bài toán về sản phẩm du lịch vừa mang đặc trưng Đà Nẵng vừa có giá thành cạnh tranh xem ra vẫn chưa có đáp án hoàn hảo!

MAI KHÔI

;
.
.
.
.
.