Nhân việc tham dự một hội nghị về công tác từ thiện, nhân đạo vào sáng qua, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng Trần Đình Liễn lưu ý cán bộ làm công tác nhân đạo phải quan tâm thực tế cuộc sống của người cần trợ giúp để hiểu tận cùng vấn đề, từ đó có những sẻ chia kịp thời thay vì cứ khăng khăng “căn cứ theo quy định”.
Bởi mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nên phải đi sâu, bám sát và linh hoạt. Nếu chỉ chiếu theo mức thu nhập để kết luận hộ dân hay đối tượng đó có nằm trong chuẩn nghèo theo quy định của Nhà nước hay không, rồi mới dựa vào đó trợ giúp, thì e dễ để lọt sổ những hoàn cảnh thực sự cần nâng đỡ.
Ông Liễn gợi lại câu chuyện thương tâm xảy ra cách đây không lâu tại tỉnh Cà Mau. Một người phụ nữ túng quẫn trong cảnh nghèo không lối thoát đến mức chọn cái chết và để lại nguyện ước cuối cùng là xin cho chồng con… được vào lại diện hộ nghèo. Tính toán mức thu nhập của vợ chồng người phụ nữ này thì rõ ràng họ đã thoát nghèo theo “chuẩn”. Nhưng cuộc sống có những điều mà các tiêu chuẩn không đề cập hết được…
Cũng theo ông Liễn, sau khi Đà Nẵng hứng chịu cơn bão lớn năm 2006, có một đôi vợ chồng già ở nhà lầu hai tầng nhưng tha thiết kêu đói. Không ít người cho rằng sao không bán căn nhà ấy kiếm tiền gửi vào ngân hàng lấy lãi suất sống qua ngày thay vì kêu than. Nhưng đó không thể là cách tư duy của người làm nhân đạo. “Hãy giúp họ trước, để họ bớt đói và bình tâm tìm hướng giải quyết. Đấy mới là trách nhiệm hàng đầu của cán bộ từ thiện xã hội”, ông Liễn khẳng định.
Trở lại câu chuyện bi thương của người phụ nữ ở Cà Mau. Gia đình bà có thu nhập trung bình trên 1 triệu đồng/người, nhưng thuốc thang cho bệnh tật của một thành viên đã ngốn gần hết tổng thu của cả nhà. Điều này lại một lần nữa cho thấy cái sự nghèo đến từ vô vàn lý do, đâu riêng gì chuyện kiếm được trên hay dưới một mốc tiền nào đó.
Trong quá trình tác nghiệp tại một bệnh viện trên địa bàn thành phố, chúng tôi từng gặp một hoàn cảnh được ra khỏi hộ nghèo mà khóc hết nước mắt. Chuyện là cũng dựa theo thu nhập thì gia đình người này đã vượt qua chuẩn nghèo. Các con của họ lại đều đã trưởng thành, có sức khỏe bình thường. Nhưng chẳng may, khi vừa “hết nghèo”, người chồng lại đổ bệnh ung thư giai đoạn cuối. Người vợ bỏ làm ăn chăm chồng suốt nhiều tháng ròng, nên xét về kinh tế thì giai đoạn thoát nghèo có lẽ bi đát hơn cả lúc còn nghèo. May mắn là chính quyền địa phương nơi cư trú của hộ này đã không đến mức cứng nhắc. Lắng nghe phản hồi từ phóng viên về trường hợp trên, vị chủ tịch phường trả lời sẽ khảo sát, nếu đúng nghèo, dĩ nhiên sẽ lại vào diện hộ nghèo trong đợt tới (quý tiếp theo, mỗi quý khảo sát một lần - PV). Đồng thời, trước mắt, địa phương sẽ hỗ trợ đột xuất coi như là một cách giúp ngặt trước khi giúp nghèo.
Dẫu phản ứng của chính quyền như trên không cứng nhắc, nhưng có lẽ cũng cần “mềm” hơn nữa. Khảo sát, tìm hiểu và đưa ra giải pháp can thiệp cuộc sống của hộ nghèo, cận nghèo hay một trường hợp khó khăn nào đó ngay trong địa phương mình thì có lẽ không đợi phải theo đợt hay theo quý, nhất là với những hộ có người mắc bệnh hiểm nghèo thì không thể đợi thời gian.
Bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nói: “Chính sách của Nhà nước ban hành ra là để “kéo” những người đang ngồi đứng dậy, tạo cho họ thêm sức lực, động lực để sống và phát triển. Đừng để một số người, hoặc thậm chí một vài người cảm thấy mình bị ngồi bệt xuống mà không đứng lên được, chìa tay ra cầu cứu nhưng không nhận được sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể, xã hội, rồi rơi vào cảnh túng quẫn khốn cùng và chọn cách kết thúc tiêu cực”. Ông Liễn nhắc lại những lời này để thêm lần nữa lưu ý những cán bộ làm công tác từ thiện nhân đạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng: Đừng để người cần giúp đỡ cảm thấy mình bị ngồi bệt xuống mà không đứng lên được! Muốn vậy, đừng cứng nhắc và quá lý trí. Làm nhân đạo cần lắng nghe chính trái tim mình thôi thúc.
THU HOA