.

Nỗ lực chống hạn

Nắng nóng gay gắt kéo dài, khô hạn trên diện rộng đã và đang gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang khát nước. Chống hạn đã và đang là nhiệm vụ hết sức cấp bách của nhiều địa phương, trong đó có thành phố Đà Nẵng.

Đối với sản xuất nông nghiệp, có câu rằng, nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Điều này cho thấy, nước là yếu tố quan trọng bậc nhất đối với cây trồng, đặc biệt là cây lúa. Thiếu nước, lúa không mất trắng thì cũng giảm năng suất. Và như vậy, bảo đảm đủ nước cho đồng ruộng là vấn đề chính quyền các cấp, cơ quan chức năng và nông dân đặc biệt quan tâm.

Ở Đà Nẵng, diện tích canh tác lúa không nhiều, vụ hè thu chỉ trên dưới 2.600ha. Diện tích canh tác ít, nhưng Đà Nẵng là địa phương có hệ thống thủy nông khá hoàn thiện. Ngoài 2 hồ chứa lớn là Đồng Nghệ, Hòa Trung, là 17 hồ đập nhỏ rải rác tại các xã trung du miền núi huyện Hòa Vang; 3 trạm bơm lớn là An Trạch, Bích Bắc, Túy Loan, 6 trạm bơm nhỏ cùng hệ thống kênh mương 182km đa số đã kiên cố hóa. Đó là chưa kể hàng trăm máy bơm loại nhỏ lắp đặt tại các giếng khoan ngay trên ruộng hút nước ngầm tại chỗ được đầu tư từ ngân sách mấy năm gần đây. Bên cạnh hệ thống thủy nông hoàn thiện, nguồn nước phục vụ chống hạn dồi dào. Phía Bắc có sông Cu Đê, phía Nam có sông Vĩnh Điện. Khu vực giữa có sông Túy Loan, sông Yên. Hầu hết đất canh tác đều nằm dọc các con sông này.

Thuận lợi như vậy, không lẽ để đồng ruộng Đà Nẵng bị khô hạn. Không ít cán bộ ngành nông nghiệp cho rằng, với điều kiện chống hạn thuận lợi như vậy, lúa thiếu nước tưới là thiếu sót không thể chấp nhận. Tình trạng đó chỉ xảy ra khi những người có trách nhiệm đã không làm tròn trách nhiệm của mình.

Thực ra, ở Đà Nẵng khô hạn chỉ xảy ra khá nghiêm trọng tại một số xã trung du miền núi huyện Hòa Vang, với tổng diện tích khoảng 400ha đất lúa. Tại khu vực này, chính quyền các cấp và ngành nông nghiệp đã triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp chống hạn, như dùng bơm điện, bơm dầu hút nước tại các ao hồ, sông suối. Một số vùng người ta khoan giếng ngay trên ruộng tận dụng nước ngầm tại chỗ, bơm hút tưới cho cây trồng. Bài học chống hạn từ xã Hòa Bắc rất hiệu quả đã và đang được các xã khác học tập. Không bó tay trước khó khăn, một số HTX tự đầu tư mua sắm máy bơm dầu. Khi hồ đập khô cạn, nước không thể tự chảy qua cống xả, người ta đưa máy bơm dầu đến cứ thế hút bằng hết số nước còn lại tưới cho lúa. Có nơi nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Vụ hè thu không sản xuất lúa mà trồng đậu, bắp, mè… Những cây trồng này cho thu nhập có khi còn cao hơn cả lúa.

Con người, nhất là tầng lớp nông dân luôn là chủ thể chinh phục thiên nhiên, không bao giờ bó tay trước hạn hán. Không ít nơi, mười bậc nước đã leo lên ruộng hạn, bảo đảm cho lúa quanh năm tươi tốt. Với hệ thống thủy nông khá hoàn thiện, điều kiện chống hạn không đến nỗi khó khăn, sự vào cuộc với quyết tâm cao của chính quyền các cấp và ngành nông nghiệp tin tưởng rằng công tác chống hạn ở Đà Nẵng sẽ thành công, cây trồng không thiếu nước, năng suất lúa hè thu sẽ đạt mục tiêu đề ra.

HOÀI NAM

;
.
.
.
.
.