Một ngày. Hai ngày... Sau DIFC 2013, hai từ “pháo hoa” vẫn còn là câu chuyện được bàn luận nhiều nhất tại các quán cà-phê từ trung tâm đến vỉa hè, kiệt hẻm. Sau hai đêm “sướng lỗ tai, đã con mắt” cùng nghệ thuật pháo hoa đỉnh cao, du khách vẫn nườm nượp tới lui ở những quán ăn, trên bãi biển và trong các khách sạn.
Có thể nói, tính xã hội trong du lịch được thể hiện rõ nhất ở lễ hội pháo hoa năm nay. Theo lẽ thường, mùa lễ hội chính là mùa ăn theo của bà con. Và lẽ dĩ nhiên, với hai đêm pháo hoa, nhiều người bình dân có thể kiếm được thu nhập nhiều bằng cả tháng lao động trong những ngày bình thường. Sẽ không ngoa nếu nói rằng, pháo hoa đã tạo cơ hội làm ăn cho những người vốn làm nghề buôn bán và những ai làm theo thời vụ, và ai cũng có thể kiếm được tiền từ du lịch. Khắp mọi nẻo đường, từ Lê Duẩn, Nguyễn Tất Thành đến Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng..., người dân, học sinh, sinh viên tranh thủ dựng hàng buôn bán nước uống, thức ăn nhẹ...
Ngay từ trước pháo hoa cả tháng, người ta đã tính đến chuyện nên bán gì, buôn gì cho hợp với pháo hoa và có thể hái ra nhiều tiền. Chị bán nước mía huy động cả gia đình làm sẵn những thùng nước mía lạnh để phục vụ nhu cầu giải khát nhanh lẹ của các “thượng đế” xem pháo hoa trên đường biển. Trên cầu Sông Hàn, sau nửa đêm vẫn còn người ngồi nán lại kiếm thêm tiền từ việc bán nước đóng chai. Nhiều gia đình đổ ra các cung đường “nóng” để giữ xe. Trong khi các lực lượng chức năng dốc toàn lực để đảm bảo an toàn, an ninh cho cuộc thi; thì gần như bà con cũng bừng bừng không khí náo nhiệt cho một cuộc kinh doanh - mưu sinh cả năm mới có một lần.
Bên cạnh đó, sức thu hút của pháo hoa đã đem đến cho các đơn vị lữ hành, khách sạn của Đà Nẵng một lượng khách đáng mơ ước: 200.000 lượt cho mấy ngày nghỉ lễ từ 27-4 đến 1-5. Hái ra tiền từ một lượng khách khổng lồ như vậy là một chuyện; mặt khác, pháo hoa gần như là một sứ giả nhiệt thành cho việc quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng đi muôn nơi, từ các tỉnh, thành trong nước đến các khu vực trên thế giới với sự tham gia của nhiều đội đến từ nhiều quốc gia ở nhiều châu lục. Lượng khách đó đã kéo theo sự tăng trưởng thu nhập xã hội qua hàng loạt hoạt động trước, trong và sau pháo hoa: từ vận chuyển đến ăn uống, nghỉ ngơi, sử dụng dịch vụ tại các điểm đến, và lần lượt “móc túi” để chi trả cho hàng loạt các dịch vụ kèm theo.
Kỳ tích của Đà Nẵng: 6 lần tổ chức thành công lễ hội pháo hoa đã làm không ít bạn bè quốc tế ngạc nhiên và thán phục. Chính đơn vị tư vấn cho DIFC 6 năm qua là Global2000 International (Malaysia) cũng tin rằng, chỉ có Đà Nẵng mới có thể tổ chức cho 5 đội thi cùng lúc chỉ trong hai đêm ngắn ngủi. Không chỉ có pháo, Đà Nẵng còn quá nhiều hoạt động để người ta có thể chiêm nghiệm, trải mình. Vậy mà, mọi công tác an toàn, an ninh, PCCC, y tế... đều bảo đảm đến gần như hoàn hảo. Chính việc tổ chức thành công một lễ hội độc nhất vô nhị và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đã khiến địa danh Đà Nẵng trở thành điểm đến đáng chú ý trên bản đồ du lịch của Việt Nam lẫn quốc tế. Tiếp đó, pháo hoa giúp củng cố và đẩy thương hiệu của Đà Nẵng lên một đỉnh cao mới, và một lượng khách mới được xây dựng dựa trên tên tuổi của pháo hoa sẽ đến thành phố vào những dịp khác. Ngành du lịch cứ thế khai thác chi tiêu và đóng góp vào tổng thu nhập xã hội.
Từ nay, người dân và du khách sẽ đợi đến hai năm để có thể tái ngộ những đêm lung linh trên sông Hàn. Vẫn còn nguyên sự lưu luyến, và tiếc nuối cho những ngày lễ hội sôi nổi và đầy cảm xúc.
PHONG KHÁNH