.

Từ hiện tượng Nick Vujicic...

Nick đến, rồi Nick Vujicic cũng đã đi. Nhưng sự hiện diện của anh trong những ngày qua đã tạo ra không ít tranh cãi, nhất là con số hơn 32 tỷ đồng mà Tập đoàn Tôn Hoa Sen đã bỏ ra cho sự kiện Nick đến Việt Nam.

Trước ngày Nick đến Việt Nam, mọi thông tin dường như vẫn ở chiều hướng vui mừng, mong chờ, hào hứng, hy vọng được truyền cảm hứng của những người coi Nick là thần tượng, hoặc chỉ xem anh như một người khuyết tật đáng khâm phục. Song, khi Nick bắt đầu những bài diễn thuyết đầu tiên thì đã nổ ra không ít ý kiến trái chiều. Sự khen, chê, thích hay không thích được đăng đàn vô cùng sôi nổi, càng “đẩy” sự kiện Nick Vujicic “nóng” ngoài sức tưởng tượng. Có lẽ, trong nhiều năm trở lại đây, chưa có vị diễn giả hay người khuyết tật nước ngoài nào đến Việt Nam lại gây chú ý lớn đến vậy.

Vậy lý do gì khiến mọi người “mất thời gian” với Nick Vujicic như vậy? Và sự “mất thời gian” này đem lại ích lợi gì?

Thứ nhất, dù Nick đến Việt Nam với nhiệm vụ diễn thuyết, nhưng các bài nói chuyện của anh không phải là nguyên nhân khiến người ta phát “cuồng”. Bởi không đợi đến lúc Nick nói, mọi người mới nhận ra tình yêu thương chính là điều quý giá nhất đối con người, rằng gia đình là quan trọng nhất; hãy tự tin và tự hào về bản thân vì mỗi cá thể mang một vẻ đẹp riêng biệt… Tầm vóc của một nhân cách không nằm ở bằng cấp, chức vụ mà ở khía cạnh ta đối xử với mọi thứ xung quanh như thế nào. Và hãy nhớ thông điệp Người Việt phải luôn quan tâm, giúp đỡ người Việt, cũng như Nick từng được người dân Úc nâng đỡ, hỗ trợ v.v…

Thứ hai, có lẽ càng không phải vì Nick là người khuyết tật ngoại quốc nên khiến mọi người tò mò hay “sính” ngoại. Nếu vậy, biết bao người khuyết tật trên thế giới từng đến Việt Nam, sao không khiến cộng đồng đặc biệt quan tâm như lần này?

Các ý kiến không mấy tán đồng việc bỏ ra hàng chục tỷ đồng mời Nick về Việt Nam cho rằng, chỉ cần nhắm mắt trong 5 phút, họ có thể đọc vanh vách 20 cái tên là biểu tượng cho nghị lực trong cộng đồng người khuyết tật Việt Nam. Người trong nước đâu thua người nước ngoài về ý chí, tinh thần “thép”, sao đợi đến Nick mới vỡ ra: Người khuyết tật cũng giỏi thật!

Không quá đặc biệt, nhưng cũng đủ khiến mọi người “mất thời gian”, thì rõ ràng Nick phải có cái gì đó… khác biệt. Theo dõi mấy ngày diễn thuyết của Nick tại Việt Nam, có thể thấy sự khác biệt không nằm ở bài nói chuyện, mà ở cách anh ta nói; không ở khía cạnh anh ta vượt qua rào cản như thế nào, mà ở cách anh ta đánh giá rào cản ra sao. Khả năng diễn đạt cũng như cách ứng phó với rào cản của người khuyết tật nói chung có một khoảng cách khá lớn so với Nick. Với phương châm “Không thử sao biết mình có thể làm được hay không”, khi làm điều gì, Nick không quá chú tâm vào các rào cản, mà chỉ tập trung “phải thử mới biết”. Anh ta còn là một người nói giỏi đủ khiến số đông ngước nhìn, trong khi so về chiều cao thì có lẽ khó ai thấp hơn Nick.

“Năng lực của con người là vô hạn, trong đó không loại trừ người khuyết tật”. Không cần nhiều lời để thuyết giảng thêm điều này, vì ai cũng biết, nhưng tin hay không thì có lẽ đến khi Nick đến, mọi người mới có một dịp cùng nhìn lại cách chúng ta đánh giá năng lực của người khuyết tật. Liệu rằng, chúng ta đã tin “năng lực của người khuyết tật là vô hạn”, hay vẫn bảo thủ cho rằng “khuyết tật chính là hạn chế lớn của năng lực”?

Người ta luôn nói, nhận thức là cả quá trình, ý chỉ thời gian phải thật lâu để thay đổi hay thẩm thấu nhận thức về một vấn đề nào đó. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Nick và những tranh cãi có lẽ đã góp phần đáng kể rút ngắn thời gian thay đổi nhận thức về sự khuyết tật. Bản thân người khuyết tật và cả người không khuyết tật đều thường nghĩ khuyết tật sẽ đi liền với khiếm khuyết. Nhưng phải chăng chính “khiếm khuyết” trong nhận thức mới dẫn đến sự hạn chế của sức mạnh con người.

THU HOA
 

;
.
.
.
.
.