.

Yêu thương lan tỏa

Đi… xin tiền, hay nói một cách hoa mỹ hơn là đi vận động tài trợ trong thời buổi này có lẽ là việc khó nhất với không riêng tổ chức nào. Thế nên, số tiền tỷ mà Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng kêu gọi được trong chương trình “Yêu thương và kết nối” diễn ra vào buổi sáng 11-7 tại Nhà hát Trưng Vương một lần nữa cho thấy, với các nạn nhân chiến tranh, đặc biệt là những em nhỏ mang thương tật vì nghi phơi nhiễm dioxin, bao giờ cũng được cộng đồng dành tình thương và sự sẻ chia đặc biệt.

Một câu chuyện hậu trường của việc kêu gọi ủng hộ cho nạn nhân da cam đó là một giám đốc doanh nghiệp tại Quảng Nam rơi vào tình thế khó xử khi trên bàn làm việc người này đang có… một chồng thư vận động tài trợ của các nơi gửi đến. Dẫu vậy, riêng với trẻ em da cam, chỉ mới nghe vận động qua điện thoại, chưa cần thư hay công văn như thông lệ, vị giám đốc đã yêu cầu nhân viên “mang sang gấp cho Hội vài triệu đồng kẻo trễ”. Có tổ chức tận mắt nhìn thấy trẻ em da cam đến trường trong điều kiện xe đưa đón quá nhỏ so với nhu cầu, nên quyết định... tặng thêm một ô-tô 40 chỗ ngồi cho tiện…

Những sự hào phóng như thế không dễ bắt gặp trong thời buổi kinh tế khó khăn. Nhưng may mắn là trẻ em da cam được… gặp hoài. Được biết, từ khi Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng thành lập vào năm 2005 đến nay, Hội đã vận động được hơn 45 tỷ đồng gồm cơ sở vật chất, phương tiện, tiền mặt, quà các loại. Sau biết bao sẻ chia và nước mắt đau thương cùng nạn nhân da cam, điều các nhà tài trợ quan tâm lúc này là đồng tiền họ bỏ ra đã đem lại hiệu quả như thế nào.

Với những mạnh thường quân tham dự chương trình “Yêu thương và kết nối”, hẳn họ đã tự trả lời phần nào câu hỏi ấy, khi hình ảnh của trẻ em da cam hôm nay tươi vui, hồn nhiên hơn những gì đã ám ảnh các em trước đó. Cả khán phòng dường như “nổ tung” với những màn nhảy ngựa rất “hot”. Các “nghệ sĩ” lúc dịu dàng hóa thân thôn nữ, lúc hào hùng như chiến sĩ và nhí nhảnh diễn thời trang điệu nghệ, có khi khiến mọi người phải giơ cao cánh tay vỗ nhịp cuốn theo màn diễn nóng bỏng. Trong đội văn nghệ hôm ấy, có một cô bé được chọn làm tâm điểm cho các “diễn viên” khác chú ý múa theo, vì quanh em là những người bạn không thể nghe được tiếng nhạc. Thoạt nhìn, Hồ Thị Làng (ở huyện Hòa Vang) giống như đứa trẻ lên 7, nhưng thực tế năm nay cô đã 19 tuổi. Làng bị vẹo cột sống, hai chân teo và hai cánh tay thòng dài bất thường. Làng từng có những ngày dài không biết chơi cùng ai và chẳng tin sự sống là niềm vui. Nhưng nhìn cô trên sân khấu, đôi mắt lúng liếng theo nhạc, đôi tay múa nhịp nhàng, tưởng như chưa bao giờ cô tự tin về bản thân mình hơn thế và đang cảm nhận mình thật sự là một cô gái xinh xắn, đáng yêu.

Những gì mọi người đã dành cho trẻ em da cam không chỉ giúp xây một ngôi trường, cho một khoản tiền trợ dưỡng… mà sau tất cả những hỗ trợ ấy là đã “chuộc” được cho các em nụ cười tin yêu cuộc sống. Đưa các em hòa vào cuộc sống sôi động là điều khó khăn vô cùng. Nhưng hôm nay, tự thân các em đã khuấy động cuộc sống. Đó là sự đổi thay đáng để vui và củng cố niềm tin để cộng đồng lại sẵn sàng đồng hành, đem lại cho trẻ em da cam tương lai tốt đẹp hơn dẫu đang ở thời buổi khó khăn.

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.