Lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội (QH) Việt Nam, QH khóa 13 vừa hoàn thành trọng trách trước cử tri, thực hiện chức năng giám sát thông qua việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh lãnh đạo chủ chốt do QH bầu và phê chuẩn.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định khi công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm, kết quả lấy phiếu với ba loại phiếu tín nhiệm: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp đã cho thấy đánh giá của các đại biểu QH là khách quan. Kết quả cuộc bỏ phiếu phản ánh được thực tại tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, tư pháp của đất nước. Những chức danh đạt nhiều phiếu tín nhiệm cao của QH thể hiện sự đánh giá cao về những kết quả, thành tựu đất nước đạt được trong thời gian qua. Những lĩnh vực ngân hàng, y tế, giáo dục, giao thông, xây dựng... có nhiều phiếu tín nhiệm thấp chứng tỏ những vị tư lệnh ở các lĩnh vực này chưa đáp ứng được yêu cầu của QH. Mặt khác, nó cũng thể hiện những bức xúc, mong mỏi thay đổi của cử tri.
Cần khẳng định việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm là một “công cụ” mới để QH thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực giám sát tối cao đối với bộ máy Nhà nước ngày càng hiệu lực, hiệu quả. “Công cụ” này cũng là thước đo năng lực, phẩm chất của những người đảm nhận các chức danh lãnh đạo chủ chốt do QH bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm là sự động viên, khích lệ của QH đối với những người dám làm, dám chịu trách nhiệm với tư duy năng động, đột phá, đổi mới và có hiệu quả thực sự. Những nhiệm vụ chưa hoàn thành, những lĩnh vực chậm đổi mới, đột phá, trì trệ gây bức xúc cho cử tri thì kết quả bỏ phiếu tín nhiệm là một lời nhắc nhở, tiếng chuông cảnh báo đối với những cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp.
Vấn đề hậu bỏ phiếu tín nhiệm đặt ra: QH phải tiếp tục theo đuổi giám sát và giám sát đến cùng việc khắc phục, sửa sai, đổi mới ở những lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất; ở những vấn đề cử tri bức xúc nhất. Có như vậy, việc bỏ phiếu tín nhiệm mới trở thành “công cụ” giám sát thực sự có hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng và thể hiện ý chí của cử tri. Đồng thời, việc tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm cần tiếp tục hoàn thiện nâng cao về chất, bảo đảm tính khách quan, thận trọng, chính xác để việc bỏ phiếu tín nhiệm có ý nghĩa thực sự, tránh hình thức. Kết quả bỏ phiếu là “chiếc gương soi” khách quan cho từng vị lãnh đạo tự điều chỉnh mình, đồng thời là “công cụ” thực hiện quyền lực nhân dân của mỗi vị đại biểu QH mà cử tri tin tưởng gửi gắm.
ĐAN LÊ