Mặc dù liên tục được cảnh báo, nhưng gần 200 trẻ em chết đuối trên cả nước từ đầu năm 2013 đến nay khiến xã hội đau lòng về những tai nạn thương tâm ở trẻ nhỏ. Xin dẫn ra những vụ tai nạn đuối nước gần đây mà các phương tiện báo chí nêu rất cụ thể để cho thấy mức độ nguy hiểm từ đuối nước mà nhiều bậc phụ huynh do bất cẩn trong việc quản lý con em mình đã phải nhận những nỗi đau chia ly cắt ruột.
Ngày 30-4, một tốp 8 em học sinh THCS ở xã Trung Sơn (Đô Lương, Nghệ An) rủ nhau ra sông Lam tắm. 5 em bị đuối nước, em Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12T7 Trường THPT Đô Lương 1) đi qua, nghe tiếng kêu cứu vội lao mình xuống sông cứu người. Sau khi đưa được 5 em nhỏ lên bờ, em Nam đã kiệt sức và bị dòng nước nhấn chìm. Ngày 14-5, 4 học sinh trong lúc tắm tại khu vực hồ thủy điện Sêrêpok 4 (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) đã bị chết đuối. Một ngày sau, lại xảy ra 2 vụ đuối nước ở Quảng Bình và Hà Nội cướp đi sinh mạng của 4 em nhỏ. Ngày 22-5, 3 trẻ tắm kênh bị chết đuối ở Tây Ninh. Mới đây nhất, vào ngày 23 và 24-5, thêm 4 học sinh khác ở Quảng Trị và Nghệ An mất mạng trong lúc tắm sông…
Rất xót xa nhưng rất dễ nhận thấy, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn do chính ý thức của những nạn nhân gây ra. Bởi hầu hết các em còn nhỏ nên không đánh giá được mức độ nguy hiểm khi ra biển, sông, suối, ao hồ chơi, tắm. Không ít em dù không biết bơi lội nhưng do nghe lời bạn bè rủ rê đã nhào xuống tắm nên xảy ra tai nạn đau lòng. Nhưng chính cha mẹ thiếu tích cực, quá lỏng lẻo trong cách định hướng, giáo dục, khuyên răn con tránh xa những vùng nước nguy hiểm là một trong những nguyên nhân căn bản gây ra tai nạn. Mất con, những người làm cha, làm mẹ cho dù hối hận cũng không thể tin rằng sự chủ quan của mình gây ra hậu họa không lường. Điều đáng bàn là mặc dù thực trạng đuối nước trẻ em đã xảy ra từ rất lâu và dồn dập trong những ngày học sinh được nghỉ hè nhưng số trường hợp chết đuối vẫn tăng. Hơn lúc nào hết, việc trang bị cho trẻ kỹ năng bơi lội, ứng phó khi có tai nạn xảy ra vô cùng bức bách, cần sự vào cuộc của gia đình, nhà trường và xã hội.
Trước thực trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo cho các Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai việc thí điểm dạy bơi ở các trường tiểu học. Tuy nhiên, triển khai trên thực tế không đơn giản, khi cơ sở vật chất của nhiều trường học rất thiếu thốn. Thêm vào đó, vấn đề đào tạo đội ngũ giáo viên dạy bơi hiện nay vẫn chưa theo kịp yêu cầu. Riêng đối với Đà Nẵng, địa phương ven biển, nguy cơ đuối nước cao nhưng tình trạng đuối nước không xảy ra nhiều như những địa phương khác. Tuy vậy, hằng năm đều ghi nhận những vụ tai nạn đuối nước do sự bất cẩn của trẻ em trong lúc vui chơi nơi vắng người lớn. Đây cũng là vấn đề luôn được lãnh đạo thành phố dành sự quan tâm đặc biệt nên đã đưa vào Nghị quyết HĐND thành phố về dạy bơi cho học sinh tiểu học để có cơ sở triển khai nghiêm túc hơn trong thời gian đến.
Thực tế, từ năm 2009 đến nay, chương trình dạy bơi miễn phí cho học sinh tiểu học được ngành giáo dục Đà Nẵng triển khai thông qua chương trình “Dạy bơi an toàn”. Đến nay, có khoảng 27.000 học sinh thành phố học các kỹ năng bơi lội và cứu người đuối nước. Mục tiêu của ngành Giáo dục - Đào tạo Đà Nẵng khi thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố là đến năm học 2016 - 2017, có 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học sẽ biết bơi. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, để bảo đảm an toàn cho người đi tắm biển, lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp thuộc Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tăng cường lực lượng, ứng cứu, cảnh báo người lớn, đặc biệt là trẻ em không bơi ra quá xa hoặc vào những vùng nước xoáy nguy hiểm. Những việc làm thiết thực nêu trên đã mang lại những hiệu quả rất tích cực, góp phần tạo ra một phong trào học bơi rộng khắp trong trẻ em nhằm rèn luyện sức khỏe, phòng đuối nước. Về lâu về dài, sẽ có những tài năng bơi lội thành phố được ươm mầm, phát triển từ các chương trình huấn luyện kỹ năng bơi an toàn này. Tuy vậy, để chương trình dạy bơi cho học sinh thành công hơn trong những năm đến, quan trọng nhất là sự ý thức của phụ huynh, nhà trường và chính quyền địa phương cùng chung tay trách nhiệm. Có như vậy mới hạn chế tối đa những cái chết thương tâm cho trẻ em.
DIỆU MINH