Theo công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2012 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương có xu hướng hội tụ, thể hiện ở hiện tượng thu hẹp khoảng cách các điểm số.
Có thể nói, các tỉnh nhóm cuối đang học hỏi cách làm từ các tỉnh nhóm trên để dần cải thiện môi trường đầu tư ở địa phương mình. Các tỉnh có thứ hạng cao lại đang chật vật để tiến lên, và trên thực tế không ít tỉnh đã tụt hạng ở những lĩnh vực “mềm”, khó cải cách mà Việt Nam đang hướng tới như sở hữu đất đai và tài sản, tham nhũng, tính năng động của chính quyền.
Không có địa phương nào đạt đến ngưỡng 65 điểm dành cho tỉnh có chất lượng điều hành xuất sắc. Hiện tượng này lần đầu tiên xảy ra trong điều tra PCI. Các nhà phân tích kinh tế cho rằng, điều này khá dễ hiểu, vì cảm nhận về chất lượng điều hành của chính quyền liên quan đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Năm 2012, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cả nước sụt giảm chưa từng thấy, chỉ 6,5% doanh nghiệp tăng quy mô ầu tư, 6,1% tuyển thêm lao động, 21% doanh nghiệp báo lỗ.
Quan sát các doanh nghiệp trong cả nước nói chung và tại thành phố Đà Nẵng nói riêng trong vài năm trở lại đây, doanh nghiệp sẽ có đánh giá tích cực về chất lượng điều hành của chính quyền nếu họ đang ăn nên làm ra, nhưng ngược lại, nếu kinh doanh thua lỗ, hoặc giảm quy mô, đánh giá này sẽ có xu hướng tiêu cực. Mối tương quan này làm cho việc tìm ra giải pháp cải thiện PCI để đưa vào văn bản, chính sách của Đà Nẵng khá vất vả vì nó dựa trên đánh giá từ “cảm nhận” của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, xu hướng cải cách môi trường đầu tư của thành phố Đà Nẵng theo đề xuất của các ngành chức năng hiện nay có xu hướng dựa trên đánh giá tổng thể từ quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Để tạo ra chất lượng điều hành kinh tế thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, một mặt chính quyền tiếp tục xây dựng hệ thống văn bản pháp luật hoàn thiện hơn, thay vì sử dụng các văn bản chỉ đạo điều hành. Điều này sẽ thể hiện sự cam kết nghiêm túc của các cấp lãnh đạo chính quyền, nhằm giảm rủi ro chính sách cho doanh nghiệp, cải thiện và nâng cao điểm số. Để môi trường đầu tư minh bạch hơn, doanh nghiệp cần có một công thông tin duy nhất về đấu thầu mua sắm công, quy hoạch, công bố dự án chứ không phải quá nhiều trang web chuyên ngành như hiện nay. Mặt khác, phía doanh nghiệp phải nêu cao tính tự giác tuân thủ các quy định của pháp luật, góp phần làm “trong sạch” môi trường kinh doanh, gắn liền quyền lợi của doanh nghiệp và nghĩa vụ đối với Nhà nước. Những trường hợp doanh nghiệp trốn thuế, kinh doanh hàng nhái, hàng giả, trốn khỏi trụ sở kinh doanh... luôn tiềm ẩn nguy cơ tiếp tay hình thức tham nhũng “vặt”.
Với PCI công bố hàng năm, chính quyền các địa phương không còn độc quyền các dịch vụ công mà ngược lại phải cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn để thu hút đầu tư và nguồn nhân lực phát triển kinh tế. Hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng là mục tiêu điều hành của chính quyền địa phương. Yêu cầu này đang thúc đẩy quá trình luật hóa các công cụ điều hành các cấp và sự nâng cao nhận thức thực hiện đúng quy định pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp cả nước.
THU PHƯƠNG