.

Hãy nghĩ trước khi ăn

Thông điệp của Đại hội đồng LHQ gửi đến toàn nhân loại nhân Ngày Môi trường thế giới 5-6 năm nay là “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm”. Từ thông điệp này, cùng sự hưởng ứng tích cực của các nước trên toàn thế giới về tiêu thụ thực phẩm tính đến yếu tố môi trường, sẽ là cơ sở làm cho hành tinh chúng ta đang sống trong lành hơn, phong phú tài nguyên hơn.

Không phải ngẫu nhiên chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay lại nói về tiêu thụ thực phẩm. Tình trạng sử dụng lương thực, thực phẩm không cân đối, hợp lý đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường, môi sinh toàn cầu. Số liệu từ Tổ chức Nông lương LHQ, mỗi năm trên thế giới lãng phí khoảng 1,3 tỷ tấn lương thực, thực phẩm. Trong khi cả hành tinh đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho hơn 7 tỷ người, thì 1/3 sản lượng lương thực, thực phẩm bị thất thoát, sử dụng không hợp lý, không chỉ gây nạn đói khốc liệt tại nhiều quốc gia mà ô nhiễm môi trường hết sức nghiêm trọng. Theo ước tính của cơ quan chức năng, với gần 1 triệu dân của thành phố Đà Nẵng, nếu như mỗi gia đình không đổ bỏ 1kg thực phẩm dư thừa/ngày thì Công ty Môi trường đô thị không phải tốn công để dọn thêm 200 tấn rác thải.

Từ cổ chí kim, từ quốc gia tiên tiến, giàu có đến nước nghèo nàn, lạc hậu, thực phẩm là nhu cầu thiết yếu cho đời sống hằng ngày của mỗi người, mỗi gia đình. Nguồn thực phẩm này được tạo ra trong quá trình sản xuất và  khai thác tài nguyên thiên nhiên. Quá trình tạo nên và tiêu thụ thực phẩm tác động rất lớn đến môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Điều đáng báo động là hiện nay môi trường đang bị tàn phá nghiêm trọng chỉ vì con người lo tìm nguồn thực phẩm mà bỏ qua yếu tố môi trường. Biết bao dòng sông trở thành dòng sông chết chỉ vì các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm xả chất thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên. Ở Đà Nẵng, Âu thuyền Thọ Quang bị ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài chỉ vì hàng chục nhà máy chế biến thủy sản, ngày đêm tất bật lo cái ăn cho con người, coi nhẹ việc bảo vệ môi trường. Biết bao loài động vật hoang dã đã và đang biến mất chỉ vì nhu cầu tiêu thụ của một bộ phận người dân trong đời sống xã hội. Biển cả, ao hồ, sông suối đang cạn kiệt tài nguyên chỉ vì ai nấy đua nhau đánh bắt theo kiểu hủy diệt. Rồi nữa, rừng đầu nguồn bị tàn phá tan hoang, dẫn đến cạn kiệt tài nguyên nước, cũng chỉ vì con người truy lùng ráo riết nguồn thực phẩm quý cho mình. Hậu quả là, lương thực , thực phẩm sử dụng không hợp lý, dư thừa, trong khi môi trường sinh thái không chỉ ô nhiễm mà ngày càng cạn kiệt tài nguyên.

Chưa hết, môi trường và tiêu thụ thực phẩm còn là mối tương tác qua lại, do con người tạo nên. Việc dùng hóa chất tùy tiện trong bảo quản thực phẩm đã và đang là mối nguy tiềm tàng đối với sức khỏe con người. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá liều trong sản xuất nông nghiệp, không chỉ ô nhiễm môi trường mà con người phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Hệ lụy từ thực trạng này là đời sống xã hội lương thực, thực phẩm không thiếu, thậm chí rất dồi dào, nhưng tỷ lệ người nhiễm bệnh tăng cao, các bệnh viện quanh năm chật ních bệnh nhân.

Thông điệp “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm” là lời cảnh tỉnh vô cùng ý nghĩa và cần thiết đối với mọi nhà, mọi địa phương và mọi quốc gia. Hy vọng, từ thông điệp này, không chỉ ở Việt Nam mà các nước trên thế giới sẽ có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động khi tiêu thụ thực phẩm, ai nấy đều nghĩ về môi trường.

HOÀI NAM

;
.
.
.
.
.