Với chủ đề “Chung tay hành động vì biển đảo quê hương”, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2013, được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đồng loạt tổ chức tại các tỉnh, thành phố ven biển từ ngày 1 đến 8-6 là dịp để mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, mỗi người dân thể hiện tình cảm sâu sắc của mình với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc bằng những hành động cụ thể, thiết thực.
Đà Nẵng - một trong 28 địa phương trên cả nước có tiềm năng biển - hưởng ứng tuần lễ này bằng nhiều hoạt động rất sôi nổi. Sau lễ mít-tinh tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) sáng 2-6, hàng nghìn đoàn viên thanh niên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và người dân địa phương đồng loạt ra quân dọn vệ sinh môi trường bãi biển, dọc đường Hoàng Sa, Trường Sa. Công tác tuyên truyền về bảo vệ tài nguyên biển, chủ quyền biển đảo; hỗ trợ gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn… dấy lên khắp các cơ quan, đơn vị, khu dân cư. Qua đó, mọi người đều nhận thức sâu sắc rằng, tài nguyên biển vô cùng phong phú, là cơ hội để mọi địa phương, mỗi gia đình làm giàu từ biển; bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, và mỗi người dân đều phải góp sức mình cho sự nghiệp cao cả này.
Thực ra, không chỉ trong Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam mà hoạt động hướng về biển đảo thân yêu được Đảng, chính quyền, các đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân ở Đà Nẵng triển khai thường xuyên. Đà Nẵng hiện là địa phương đi tiên phong trong bảo vệ tài nguyên biển. Tình trạng khai thác san hô đã chấm dứt hoàn toàn. Việc nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm môi trường biển không còn. Nhiều tổ, đội ngư dân tình nguyện bảo vệ các rạn san hô quanh bán đảo Sơn Trà triển khai từ nhiều năm nay. Hoạt động đánh bắt hải sản bằng lưới kéo mắt nhỏ tại khu vực gần bờ đã giảm ở mức thấp nhất. Hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu công suất lớn vươn khơi vừa làm giàu từ biển, vừa góp phần bảo vệ ngư trường xa bờ là chủ trương lớn của thành phố đã đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, ngân sách thành phố đã đầu tư hơn 8 tỷ đồng cho lĩnh vực này, hơn 10 tàu công suất lớn đã đóng mới từ nguồn hỗ trợ, bổ sung cho đội tàu đánh bắt xa bờ của thành phố. Hơn 3.000 ngư dân được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thuyền viên. Hàng nghìn phao cứu sinh, hàng trăm tủ thuốc đã đến tay ngư dân từ các chương trình hướng về biển, đảo của các tổ chức, đơn vị. Chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” đang dấy lên tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Mỗi khi ra khơi, ngư dân luôn có điểm tựa bình yên từ đất liền, đó là sự quan tâm hết mực, hỗ trợ kịp thời từ chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể và cơ quan chức năng… Hễ nhận được tin tàu cá của ngư dân gặp nạn, ở đất liền, biết bao cán bộ của cơ quan chức năng đứng ngồi không yên, tìm mọi giải pháp, huy động mọi nguồn lực, triển khai cứu hộ, cứu nạn kịp thời. Khi tàu hư hỏng do thiên tai, hoạn nạn đều có sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền, cơ quan chức năng và cả cộng đồng…
Với 3.260km bờ biển, vùng biển rộng khoảng 1 triệu km2 (gấp 3 lần đất liền), hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, Việt Nam là một trong các quốc gia trên thế giới có tiềm năng rất lớn về biển. Không những thế, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa án ngự trước Biển Đông, là báu vật tạo hóa ban tặng cho đất nước ta. Bao đời nay, biển là nguồn sống, là cơ hội làm giàu cho các địa phương ven biển.
Hiện nay, bất chấp luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã và đang ngang nhiên xâm lấn vùng biển Việt Nam. Không chỉ an toàn biển đảo của Tổ quốc bị đe dọa mà hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân ta đang gặp vô vàn khó khăn, thử thách. Hơn lúc nào, thời điểm này là lúc Nhà nước, chính quyền các địa phương giáp biển, các bộ, ngành liên quan có giải pháp khả thi để giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bảo đảm cho ngư dân mưu sinh bình yên trên biển.
NGUYỄN CẦU