Theo báo cáo thường niên Best Global Brands (Những thương hiệu đắt giá nhất thế giới) của hãng nghiên cứu Interbrand trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc mặc dù là siêu cường đứng thứ hai toàn cầu về kinh tế nhưng không có nhãn hiệu nào nằm trong danh sách này.
Điều này cho thấy, Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển thương hiệu trên tất cả các lĩnh vực kinh tế. Dù vậy, hàng tiêu dùng, may mặc, đồ chơi trẻ em của Trung Quốc vẫn chiếm lĩnh các thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và đặc biệt các nước ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn của nước này với tỷ trọng 17,3% vào năm 2012. Mới đây, tờ Wall Street Journal của Mỹ đã đưa tin: Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu thép Trung Quốc vào Mỹ tăng 33% so với cùng kỳ, một phần vì giá thép Trung Quốc rẻ hơn tới 25%.
Hàng Trung Quốc vào mỗi thị trường chính ngạch có tiêu chuẩn chất lượng khác nhau, tùy thuộc vào yêu cầu của nhà nhập khẩu nhưng luôn có sức cạnh tranh nhờ mẫu mã đa dạng và giá thành luôn rẻ hơn hàng trong nước. Những rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế của nhiều quốc gia đã giúp người tiêu dùng thoát khỏi sự xâm hại về sức khỏe từ các sản phẩm độc hại, kém chất lượng.
Còn ở Việt Nam, theo Ủy ban Biên giới quốc gia, trên đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc dài 1.449,566 km (kể cả đường biên giới trên đất liền và đường biên giới đi theo sông suối) đã mở 9 cặp cửa khẩu, nhưng các lực lượng chức năng vẫn không kiểm soát nổi tình trạng hàng nhập lậu từ Trung Quốc sang. Đây là nguyên nhân chính khiến người tiêu dùng trong nước phải e ngại trước các sản phẩm kém chất lượng và doanh nghiệp Việt Nam phải bị áp lực cạnh tranh phi lý.
Khi đã lọt qua đường biên giới, hàng Trung Quốc còn được “cỗ máy buôn lậu” trong nước tiếp tay, cánh “con buôn” cả nước tuy chỉ là một mắt xích nhỏ nhưng lại đóng vai trò quan trọng nhất, là khởi nguồn cho việc buôn hàng trốn thuế và tạo điều kiện cho nhiều thành phần bán lẻ ăn theo. Đến thị trường Đà Nẵng, hàng buôn lậu Trung Quốc hầu như đã được xé lẻ, không còn nguyên đai, nguyên kiện và cũng không có dấu vết của “đầu nậu” nên việc kiểm tra, kiểm soát càng gặp khó khăn.
Những người có tiền thì có sự lựa chọn tốt hơn là mua hàng hiệu, thường vào những siêu thị để mua thực phẩm sạch. Còn với đa phần người dân Việt Nam có thu nhập thấp - những công nhân, viên chức nghèo, hàng chợ hay thậm chí hàng vỉa hè vẫn đáp ứng được nhu cầu hằng ngày.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hay chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” trong cả nước hiện nay vẫn chưa đủ sức thuyết phục người tiêu dùng ủng hộ cũng nằm ở câu chuyện giá cả, chất lượng và hình thức. Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước vẫn tiếp tục gặp khó khăn tìm đầu ra cho sản xuất khi năng lực công nghệ còn hạn chế.
“Cuộc chiến” chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để giành lại lợi ích kinh tế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chắc chắn còn là một lộ trình dài nếu Nhà nước ta không có các giải pháp đồng bộ, kiên quyết và mạnh tay hơn. Các ngành chức năng và doanh nghiệp không thể bó tay kêu khó... vì hàng nhập lậu.
THU PHƯƠNG