Những ngày qua, ai quan tâm đến Thể thao Việt Nam đều bàng hoàng trước sự việc “nữ hoàng điền kinh Việt Nam” Trương Thanh Hằng bị ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó trưởng Phòng Khoa học Thể thao, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Đà Nẵng kiêm HLV Điền kinh quốc gia, phụ trách cự ly dài và marathon - quấy rối tình dục.
Trước đó, ông Nguyễn Tuấn Anh từng chịu rất nhiều điều tiếng về những hành vi xâm hại các VĐV nhưng đây là lần đầu tiên một VĐV dũng cảm đưa sự việc ra ánh sáng. Thế nhưng, trước khi sự việc được làm sáng tỏ, ông Tuấn Anh còn cho rằng, Trương Thanh Hằng vu khống và trách cứ VĐV này khi cô nói lên sự thật. Thậm chí, ông Tuấn Anh cũng ngang nhiên thách thức và đe dọa VĐV, dù ông hoàn toàn sai trái.
Thực ra, đây không phải lần đầu tiên vấn đề đạo đức trong giới thể thao mới được đặt ra. Cách đây 15 năm, một HLV trưởng đội tuyển Taekwondo chủ mưu giết người và phải nhận án tử hình, từng khiến thể thao Việt Nam rúng động. Trong bóng đá, đã có những HLV dính vòng lao lý do liên quan đến những vụ dàn xếp tỷ số. Hay như HLV vật P.T.Đ từng nhận án treo 15 tháng tù do hành hạ học trò rất dã man. Ngoài ra, không ít VĐV tố giác HLV này cưỡng bức tình dục học trò, song tất cả bị rơi vào quên lãng.
Thể thao Đà Nẵng cũng không ngoại lệ khi một HLV võ thuật từng bị tố giác mượn rượu để sàm sỡ học trò. Rồi tháng 10-2010, một VĐV Wushu bị “tai nạn” với nhiều nghi vấn của một vụ thanh toán nhưng các cơ quan có trách nhiệm không công bố những kết luận cuối cùng. Để tất cả vẫn cứ là nghi vấn!
Không phải đến lúc này vấn đề đạo đức trong thể thao mới được được đặt ra khi tình trạng xuống cấp đạo đức ở một bộ phận HLV, VĐV bộc phát.
Không ngẫu nhiên khi ở bất kỳ giải đấu nào, tiêu chí “đoàn kết, trung thực, cao thượng” đều được đặt ra với những quy định được cụ thể hóa bởi điều lệ.
Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực tiễn, khoảng cách vẫn cứ xa vời.
Cứ thử nhìn vào những bản báo cáo thành tích thể thao của bất kỳ đơn vị, bộ môn nào cũng rất dễ nhận thấy những dòng chữ nêu bật kết quả chuyên môn với số lượng huy chương, số lượng VĐV đạt đẳng cấp. Trong khi đó, vấn đề giáo dục con người rất hiếm hoi được đề cấp đến.
Cuối những năm 1980 - đầu những năm 1990, HLV Vũ Văn Tư rất tâm đắc khi đội bóng đá QN-ĐN thường xuyên được trao tặng giải thưởng “Phong cách thi đấu”, cùng với những thành công về mặt chuyên môn. Thế nhưng, có bao nhiêu người thầy cảm thấy vui mừng khi các học trò “thành người” trước khi thành danh trên đấu trường thể thao?
Đã đến lúc ngành thể thao nói chung và Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Đà Nẵng cần thể hiện sự quyết liệt hơn trong việc xử lý ông Nguyễn Tuấn Anh, thay vì chỉ ở mức “cảnh cáo” và “cách chức HLV đội tuyển Điền kinh quốc gia”. Bởi theo dư luận tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Đà Nẵng, ông Nguyễn Tuấn Anh có quan hệ khá mật thiết đối với Ban Giám đốc và đang được cơ cấu để đảm trách cương vị Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Đà Nẵng trong tương lai.
Không chỉ thể hiện sự công minh, khách quan, Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT cũng như lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Đà Nẵng cần sớm tái tạo niềm tin, không chỉ cho các VĐV, trong việc xây dựng lại chuẩn mực đạo đức trong giới thể thao. Và qua đó, không để đạo đức trong ngành TDTT trở thành một điều gì xa xỉ.
BẢO AN