.

Niềm tin hàng Việt

Có thể khẳng định, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là hành động thiết thực, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và tự tôn của dân tộc. Dù đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong suốt thời gian gần đây nhưng đáng tiếc thay, hàng Việt vẫn loay hoay chống đỡ trước sức ép của hàng “lạ” tràn ngập thị trường nội địa.

Hàng Việt chưa ăn sâu chắc chắn ở thị trường trong nước là do doanh nghiệp (DN) nội địa yếu kém, người tiêu dùng không có niềm tin hay các cơ quan chức năng của chúng ta chưa làm triệt để để giúp DN bảo vệ thị trường?

Trong khi DN phải loay hoay tìm đủ mọi cách để cạnh tranh với hàng “lạ” thì các cơ quan Nhà nước vẫn chưa có giải pháp căn cơ nhằm chặn những hành vi gian lận, dối trá trong sản xuất và kinh doanh. Một số vụ vi phạm bị xử lý trong thời gian vừa qua vẫn chưa phải là liều thuốc đủ mạnh đối với những cá nhân, DN tiếp tay cho hàng độc hại. Dường như thị trường còn quá nhiều khe hở khiến hàng giả, hàng lậu vẫn còn đất sống. Ai cũng biết, sức cạnh tranh hàng hóa phụ thuộc vào trình độ công nghệ và giá cả. Thực tế đã chỉ rõ nhiều mặt hàng, nhóm hàng của Việt Nam đã phải chào thua hàng Trung Quốc vì lý do đó. Hàng Trung Quốc đã lôi kéo được người tiêu dùng bằng giá rẻ, mẫu mã phong phú.

Để quảng bá hàng Việt, lâu nay chúng ta vẫn thường tổ chức các hội chợ. Tuy nhiên, mỗi lần tổ chức hội chợ là quảng cáo rầm rộ nhưng trên thực tế  thì hội chợ nào cũng giống hội chợ nào, hàng hóa cũng chỉ là những mặt hàng bình thường, không có gì là đặc sắc, mới mẻ mà ngược lại còn có rất nhiều mặt hàng tồn kho, lỗi mốt… Người tiêu dùng đến với hội chợ nhiều khi cốt là để ngắm các ca sĩ nhiều hơn là mua hàng. Trong khi DN tham gia vào các kỳ hội chợ lại khó khăn về kinh phí. Hầu hết các DN trên địa bàn vẫn quen với kiểu làm ăn nhỏ lẻ nên cũng rất khó bỏ một khoản kinh phí lớn để PR (quảng bá). Đây là vấn đề mà ngành chức năng liên quan rất mong muốn nhưng ngân sách hạn hẹp nên cũng chỉ dừng lại ở khả năng vận động chứ không thể ép DN tham gia. Giải quyết những vướng mắc trên, cần điểm lại vai trò của DN, cơ quan quản lý Nhà nước và người tiêu dùng. Rõ ràng vị trí của hàng Việt có thắng thế trên sân nhà được hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào những nỗ lực của chính các DN.

Các DN trong nước cần tăng cường đưa hàng hóa về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, một mặt vừa tăng sức mua đồng thời cũng phục vụ người dân nhiều hơn, góp phần bình ổn giá ở nơi đây. Các siêu thị, các trung tâm thương mại, các chợ, các điểm kinh doanh, chợ truyền thống cần ưu tiên bán hàng Việt Nam thay vì lợi dụng tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng để bán hàng nhập khẩu. Thêm vào đó là sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành liên quan trong việc thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, loại trừ những sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ. Mỗi một người tiêu dùng phải là một “tai mắt” phát hiện những hành vi sản xuất buôn bán hàng nhái, hàng giả trà trộn, để báo cho cơ quan chức năng. Có như vậy, trong thời gian tới hàng Việt mới có sức lan tỏa rộng trong nhân dân, tạo được niềm tin và uy tín trên thị trường.

HỒNG ANH
 

;
.
.
.
.
.