.

Nuôi dưỡng tình yêu văn chương

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, học sinh Đà Nẵng đã tạo được tiếng vang trong cả nước khi cùng lúc có đến hai điểm 10 môn Văn (tính đến chiều 17-6). Hai học sinh xuất sắc giành được điểm tuyệt đối ở môn học được xem là “khó nuốt” này là Nguyễn Thị Bích Ly, học sinh lớp 12/7 Trường THPT Hoàng Hoa Thám và Nguyễn Trần Thục Nhi, lớp 12/31 Trường THPT Phan Châu Trinh.

Với các môn học khoa học tự nhiên, chuyện học sinh đạt điểm 10 trong các kỳ thi tương đối phổ biến, nhưng với các môn khoa học xã hội, nhất là môn Văn, để có được điểm 10 là chuyện không phải học sinh nào cũng làm được. Bởi văn học là nghệ thuật ngôn từ, là loại hình nghệ thuật mang tính đặc thù, sản phẩm của tư duy hình tượng, đòi hỏi học sinh phải có tình yêu thật sự, sức cảm thụ tốt, tư duy phân tích tốt trong quá trình tiếp xúc tác phẩm.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, đề thi môn Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay khá hay, nhất là câu 2 - phần nghị luận xã hội (3 điểm) yêu cầu học sinh viết đoạn văn ngắn khoảng 400 từ bày tỏ suy nghĩ về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam. Với đề thi này, ngoài việc nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa, có sức cảm thụ tác phẩm văn học tốt, học sinh phải có kiến thức xã hội thì mới làm bài được và đạt điểm cao. Khi biết tin em Nguyễn Thị Bích Ly đạt điểm 10 môn Văn, thầy Trần Thị - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám không giấu được niềm xúc động: “Đã nhiều năm rồi, đây là lần đầu tiên trường có học sinh đạt điểm 10 môn Văn. Đó sẽ là niềm cảm hứng cho các thế hệ học sinh sau này đến với môn học đầy tính nhân văn này” (Báo Tuổi Trẻ ngày 17-6).

Văn học là bộ môn khoa học nghiên cứu con người một cách toàn diện và sâu sắc nhất. Những tác phẩm văn học chân chính có chức năng giáo dục, cảm hóa con người, giúp thanh lọc tâm hồn để hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ; góp phần hình thành, phát triển nhân cách của mỗi người. Thế nhưng, điều đáng buồn là trong những năm gần đây, việc dạy - học Văn ở trường phổ thông chưa thật sự phát huy được vai trò theo đúng nghĩa của nó, nhiều học sinh có xu hướng quay lưng với bộ môn này. Qua mỗi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, chủ yếu học sinh đăng ký dự thi vào các khối ngành khoa học tự nhiên, còn số lượng học sinh dự thi khối C rất thấp. Ngay cả em Nguyễn Trần Thục Nhi dù đạt điểm 10 môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay, nhưng khi lựa chọn ngành nghề trong tương lai thì rẽ sang dự thi vào Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng). Và không chỉ có trường hợp em Nhi, thực tế nhiều học sinh giỏi Văn ở các trường phổ thông khi chọn nghề nghiệp cho mình cũng lắc đầu không theo nghiệp Văn. Phải chăng do quan niệm làm thầy giáo dạy Văn, hay trở thành nhà văn, nhà thơ… thì sẽ có cuộc sống vật chất không sung túc như những ngành nghề khác đã tác động đến ý nghĩ, tư tưởng của một bộ phận giới trẻ?

Dù số lượng học sinh đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi không nhiều, nhưng cũng cho thấy chất lượng dạy và học môn Văn ở trường phổ thông ít nhiều đã có chuyển biến tích cực. Dĩ nhiên, bên cạnh sự nỗ lực, tình yêu, sự đam mê tìm tòi, khám phá của học sinh đối với văn chương còn có sự đồng hành dìu dắt của người thầy - những kỹ sư tâm hồn truyền lửa cho học sinh. Và để nuôi dưỡng tình yêu văn chương, làm cho học sinh tìm đến tác phẩm văn học bằng sự yêu thích cái hay, cái đẹp, sự cao cả chứ không phải vì điểm số, người thầy có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình đứng trên bục giảng.

Xin mượn lời của một giáo viên dạy Văn lâu năm ở trường phổ thông đúc kết rằng: “Muốn thắp sáng ngọn lửa tình yêu văn chương trong tâm hồn học sinh thì trước hết hãy thổi bùng ngọn lửa văn chương trong trái tim người thầy”.  

PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.