.

Phố du lịch dành cho ai?

Ở những nơi được xem là phố du lịch, phố ẩm thực hay trung tâm thương mại dành cho du khách của ngành Du lịch Đà Nẵng nhiều năm qua dường như chưa thật sự chú trọng đến đối tượng khách du lịch quốc tế. Không phải vì thiếu không gian hay sản phẩm mà cái chính là văn hóa kinh doanh du lịch và mức độ hội nhập chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Đi dọc con phố đường Phan Châu Trinh, Hùng Vương, nếu quan sát kỹ, du khách khó tìm được một bảng hiệu nào bằng ngoại ngữ, ngoài từ tiếng Anh khá phổ biến “Hotel” (khách sạn) hoặc “Silk Shop” (cửa hàng tơ lụa). Ghé vào trong các cửa hiệu bán hàng lưu niệm, gấm, tơ lụa, tiệm chụp ảnh hay vào chợ Hàn, Trung tâm Thương mại Big C, Lotte Mart..., các sản phẩm niêm yết hầu như cũng chỉ sử dụng một ngôn ngữ tiếng Việt và bảng giá tiền Việt Nam.

Một du khách nói tiếng Anh vào cửa hàng bán vải đầu đường Phan Châu Trinh phải dùng ngôn ngữ “trực quan và hình ảnh” để giao tiếp với người bán hàng. Sau một hồi hai bên giải thích qua lại, không ai hiểu ai, thế là người khách lắc đầu bỏ đi.

Những người Việt có điều kiện tham quan, du lịch nước ngoài đều thấy sự khác biệt khá rõ. Ở Nhật Bản, nền kinh tế phát triển không dựa vào du lịch mà chủ yếu là sản xuất công nghiệp thì ngôn ngữ giao tiếp với người nước ngoài vẫn là tiếng Anh hoặc tiếng bản ngữ. Còn với những đất nước “sống” với ngành du lịch như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc..., việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp quốc tế là tiếng Anh được trọng dụng và phổ biến khắp nơi. Không  nhìn đâu xa, chỉ cần ghé thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam), tiếng là phố cổ nhưng người “không cổ” chút nào. Các dịch vụ buôn bán, giao thương diễn ra ở đây với khách quốc tế nhiều hơn khách Việt. Người dân đã thật sự hội nhập và trở nên gần gũi với du khách thông qua việc sử dụng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật. Điều này cũng góp phần lý giải vì sao khách du lịch quốc tế đến Hội An nhiều hơn và chi tiêu nhiều hơn so với khách quốc tế đến nghỉ dưỡng, tham quan tại Đà Nẵng.

Đà Nẵng có nhiều sản phẩm muốn xuất khẩu tại chỗ như hàng tơ lụa, sản phẩm đá mỹ nghệ, đồ lưu niệm và cả các dịch vụ thư giãn cho du khách. Thế nhưng, sự nhanh nhạy về khả năng hội nhập còn hạn chế khiến văn hóa kinh doanh vẫn ở cấp độ phục vụ tiêu dùng nội địa.

Khách du lịch khi ra nước ngoài, ít nhất họ cũng trang bị cho mình một ngoại ngữ cần thiết, phổ biến là tiếng Anh, để khỏi lúng túng khi đi lại và chủ động trong việc tham quan, mua sắm. Nếu không thể giao tiếp thì hoạt động mua bán khó diễn ra và du khách cũng sẽ không hài lòng với điểm đến đã chọn.

Khi Đà Nẵng đã quyết tâm hình thành các điểm dành cho khách quốc tế tham quan, mua sắm, thư giãn thì cũng cần phải phát triển hệ thống các panô, khẩu hiệu, bảng hiệu song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh)  trên đường phố, thể hiện sự chào đón và tôn trọng du khách; đồng thời có hướng đào tạo ngắn hạn cho nhân lực các cơ sở cung cấp các dịch vụ này. Mức độ hội nhập tại chỗ càng sâu rộng cũng chính là điều kiện quan trọng để Đà Nẵng phát huy tiềm năng, thế mạnh của ngành du lịch địa phương.

THU PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.