.

Sức lan tỏa từ chất lượng điều hành kinh tế

Khi dự báo luồng đầu tư trong nước cũng như nước ngoài, các chuyên gia kinh tế dựa trên nhiều tiêu chí  làm cơ sở, như: vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên, chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương...

Tuy Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) phản ánh chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền chỉ là một yếu tố để nhà đầu tư tham khảo nhưng  lại có tầm quan trọng và sức lan tỏa lớn. Bởi vì, dưới góc nhìn của các doanh nghiệp, PCI  là tấm gương phản ánh  sự thân thiện của công chức địa phương; cách ứng xử của chính quyền với doanh nghiệp; cách giải quyết thủ tục hành chính... Tất cả  các nội dung này được thể chế hóa và luôn gắn liền lợi ích thiết thực của các doanh nghiệp.

Không chỉ  Đà Nẵng mà các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đều đang gặp  khó khăn trong cải thiện PCI. Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chất lượng điều hành kinh tế ở các địa phương này có nhiều cải thiện qua mỗi năm, song với những thị trường kinh tế lớn thì chắc chắn cả doanh nghiệp và quản lý Nhà nước đều gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đáp ứng các yêu cầu của nhau. Các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn để phát triển và tiếp cận các chính sách ưu đãi của địa phương; song song đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải tăng cường độ làm việc nhiều hơn để có các dịch vụ công làm hài lòng doanh nghiệp. Các thành phố lớn hiện nay có xu hướng chạy đua thu hút đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư trong nước có tiềm lực do  yêu cầu phát triển “cất cánh” của địa phương.  Chính vì vậy, sẽ luôn nảy sinh sự so sánh về cách ứng xử của các cấp chính quyền trong cộng đồng doanh nghiệp. Những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thường ít được chính quyền chú ý, quan tâm, nhưng chính họ lại là đối tượng “bỏ phiếu” quyết định chất lượng điều hành kinh tế. Với cách điều hành này, các địa phương vô hình trung đang tự làm mất điểm về môi trường đầu tư.

Thực trạng PCI Đà Nẵng 2 năm gần đây sụt giảm còn cho thấy đánh giá chất lượng điều hành kinh tế  giữa  chính quyền cấp thành phố và các doanh nghiệp chưa có sự thống nhất. Trong khi các cấp, các ngành còn đang nỗ lực tìm giải pháp khắc phục tồn tại ở lĩnh vực này thì lại phát sinh tụt hậu ở lĩnh vực khác. Thậm chí trong lĩnh vực cải cách hành chính,  chính quyền đã “cố gắng hết sức” mà doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng.  Các nhà phân tích PCI đặt ra câu hỏi: Phải chăng trên thực tế có khoảng cách giữa chính sách và thực hiện? Vẫn còn tồn tại những thủ tục, yêu cầu không đáng, không cần thiết, làm mất thời gian, công sức của doanh nghiệp. Đặc biệt, tình trạng hết thanh tra rồi kiểm tra dài ngày, khiến doanh nghiệp không còn thời gian cho tập trung vào sản xuất, kinh doanh.

Công bố PCI 2012 cho thấy,  tình hình kinh tế cả nước vẫn còn khó khăn thì các “ngôi sao” cải cách kinh tế chững lại, trong khi yêu cầu đổi mới năng lực điều hành kinh tế của chính quyền ngày càng cao. Khi kinh tế phát triển, doanh nghiệp sẽ dễ dàng “bỏ qua” những rắc rối nhỏ đối với dịch vụ công, nhưng lúc khó khăn thì một phiền hà nhỏ cũng gây tổn thương cho doanh nghiệp nhiều. Vì vậy, hơn lúc nào hết, chất lượng điều hành kinh tế của mỗi địa phương đang chiếm giữ vị trí hấp dẫn trong tổng thể môi trường đầu tư, là kênh quảng bá tốt để các tỉnh, thành phố có cái nhìn thiện cảm từ các nhà đầu tư. Đà Nẵng có thể tạo hấp lực đối với luồng đầu tư mới và khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp địa phương hay không, chắc chắn còn phụ thuộc vào nỗ lực và quyết tâm   tiếp tục cải cách của chính quyền.

THU PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.