.

Thảm khốc và tang thương

Chỉ trong vòng 3 ngày cuối tuần, liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng khiến 10 người chết, hàng chục người bị thương. Cả hai vụ tai nạn này đều không xảy ra trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhưng là những xe khách chuyên chở người dân thành phố đến các địa phương lân cận. Thảm khốc và tang thương là những điều đọng lại sau hai vụ tai nạn này. Số thương vong chẳng khác nào trong thời chiến, khiến người dân không khỏi lo âu khi ngẫm lại câu nói đùa mà thành thật: “Ra đường như ra chiến trường”.

Cái “chiến trường” không khói súng ấy chỉ trong vòng một tuần đầu tiên của tháng 6 đã cướp đi mạng sống của 151 người trong cả nước. Một con số khiến những nhà quản lý và người dân phải giật mình bởi sự tàn khốc của TNGT. Như vậy, trung bình mỗi ngày cả nước có hơn 20 người chết vì TNGT trên đủ các loại địa hình, trong đó riêng tuyến đường bộ xảy ra 333 vụ, khiến 146 người thiệt mạng, 230 người bị thương. Vấn nạn giao thông đã và đang đeo bám cuộc sống của mỗi người dân Việt với những nỗi buồn khôn nguôi.

Hôm 8-6, hàng nghìn người dân đón những giáo viên Trường tiểu học số 2 Hòa Phước thiệt mạng do TNGT tại tỉnh Khánh Hòa trở về. Người xót xa, người lo lắng, bao nhiêu nước mắt tuôn rơi tiếc thương cho những người xấu số. Người đầu bạc tiễn kẻ tóc xanh, chồng mất vợ, cha mất con… Đau đớn thay cho những thân nhân của người chết bởi họ phải đối mặt với thông tin tang tóc đầy bất ngờ. Thậm chí, vài phút trước còn trò chuyện, hỏi han qua điện thoại, thì chỉ không lâu sau lại nghe tin người thân không còn sống trên cõi đời này. Người bị nạn chết tức tưởi đã đành, người còn sống lại xót xa hơn khi chia tay người thân mà không được gặp mặt lần cuối. Tại sao nên nỗi này? Câu hỏi chắc chắn sẽ có nhiều đáp án nhưng chẳng thể nào có câu trả lời cuối cùng về cách thức giảm thiểu TNGT một cách thực sự hiệu quả và bền vững.

Nếu ai đã từng đi dọc tuyến Quốc lộ 1A từ Bắc vào Nam mới nghiệm ra được những đáp án hiển hiện trước mắt vì sao TNGT vẫn luôn rình rập. Đường sá chật hẹp, nhiều nơi xuống cấp. Và quan trọng hơn là ý thức người tham gia giao thông thực sự là điều đáng ngại. Những chiếc xe khách nếu không có CSGT giám sát thì phần lớn đều chạy quá tốc độ cho phép dù qua mỗi loại địa hình đều có những biển báo hạn chế tốc độ. Tình trạng tranh giành khách, xe chạy đua với thời gian, nhà xe vắt kiệt sức phương tiện và người lái… vẫn tồn tại hằng ngày, hằng giờ và vì thế, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu như chiếc xe khách chở các giáo viên Trường tiểu học số 2 Hòa Phước nói trên ở lại Đà Nẵng để kiểm định đúng thời gian quy định, thay vì “bon bon” trên đường đưa khách tham quan liên tỉnh thì có lẽ những lỗi kỹ thuật của xe sẽ được phát hiện sớm hơn… Nếu như và nếu như… thì sẽ không có người chết, bị thương… Cái sự “nếu như” ấy… chắc chắn sẽ còn lặp lại nhiều lần, với nhiều vụ tai nạn thương tâm khác xảy ra trong cả nước.

Ngay trong thời bình, máu vẫn đổ, nguy hiểm vẫn chực chờ, rình rập, tang thương vẫn cứ liên tiếp xảy đến, mạng sống con người chỉ trong khoảnh khắc đã bị cướp mất. Nhìn thấy cảnh tang tóc, những giọt nước mắt nghẹn ngào của người mẹ già mất con cháu, người chồng mất vợ con… càng thấm thía nỗi đau tột cùng mà TNGT gây ra. Mỗi năm đều có Tháng hành động vì an toàn giao thông; mỗi ngành, mỗi cấp đều được vận động phải tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông trong mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân. Hàng chục nghìn tỷ đồng bỏ ra để nâng cấp đường sá; hàng tỷ tiền thu về từ phí bảo trì đường bộ; hàng trăm tuyến đường được phân chia làn cụ thể để tránh tình trạng lấn đường, lấn tuyến… Vậy mà, tất cả dường như chưa thực sự tạo nên chuyển biến tích cực trong việc giảm thiểu TNGT trong cả nước. Để rồi, người ta nghe nhắc đến vụ tai nạn này, người nọ chết vì va chạm giao thông… “như cơm bữa”.

Không ngày nào không có người thương vong vì TNGT. Không ngày nào người dân ra đường mà không nơm nớp lo âu “thần chết” đang bủa vây mình và những người thân. “Cẩn thận xe cộ nhé con” - câu nhắc nhở cửa miệng của các đấng sinh thành được lặp đi lặp lại mỗi ngày khi con họ bước chân ra đường để đến trường, đi làm việc. Nhưng ngay cả chính bản thân các bậc phụ huynh cũng không thể lường trước được những tai nạn bất ngờ khi tham gia giao thông. Điều mỗi người có thể làm là cẩn thận hết mức có thể, tự mình cứu mình bằng việc đi đúng làn đường, đúng tốc độ, chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông. Còn trong trường hợp TNGT xảy ra…, chắc nhiều người tắc miệng nói: Thôi, âu cũng là cái số. Và chấp nhận như là chuyện may rủi ở đời. Còn những người, những cơ quan có trách nhiệm về bảo đảm an toàn giao thông thì vẫn cứ tiếp tục tìm giải pháp khắc phục…

HÀ AN

;
.
.
.
.
.