Năm ngày vừa qua, hai nhà máy thủy điện (NMTĐ) Đắk Mi 4 và A Vương tiến hành xả nước phát điện về sông Vu Gia và Thu Bồn trong đợt xả nước kéo dài 5 ngày để chống hạn theo đề nghị của tỉnh Quảng Nam sau đợt xả nước kéo dài hơn 15 ngày (từ ngày 15 đến 31-5) phục vụ hạ du đổ ải, gieo sạ lúa vụ hè thu.
Tuy các NMTĐ xả nước trong 5 ngày ngắn ngủi rồi tạm ngừng, nhưng chỉ cần sau 1 ngày xả, nguồn nước ngọt dồi dào của các NMTĐ đã kéo giảm độ mặn của sông Vĩnh Điện ở bên trong đập bổi ngăn mặn, giữ ngọt từ trên 3,5‰ (tương đương 3.500mg/lít) xuống dưới 0,8‰ vào ngày 6-6. Trạm bơm Tứ Câu lập tức hoạt động, sau 4 ngày đã hoàn thành đổ nước vào 232ha sản xuất lúa vụ hè thu của huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và quận Ngũ Hành Sơn (thành phố Đà Nẵng) phục vụ nông dân đổ ải, gieo sạ khi lịch thời vụ đã trễ 1 tuần.
Sau đợt xả nước này, 2 NMTĐ ngừng xả để tích nước trong 5 ngày rồi xả nước phát điện trong 5 ngày tiếp theo. Điệp khúc “5 ngày xả, 5 ngày nghỉ” sẽ kéo dài đến ngày 31-8-2013 khi đã xuất hiện lũ tiểu mãn và kết thúc vụ hè thu. Ngoài khoảng thời gian “điệp khúc” và lưu lượng xả ổn định như trên, các NMTĐ này còn xả nước phát điện theo yêu cầu phát điện của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia. Đây có thể xem là một tín hiệu tốt của sự phối hợp, hài hòa chia sẻ lợi ích giữa xả nước phát điện của các NMTĐ và việc lấy nước phục vụ mục đích sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ của hạ du.
Giữa mùa hạn hán gay gắt, với việc “5 ngày xả, 5 ngày nghỉ”, các NMTĐ đã và đang góp phần điều tiết dòng chảy trung bình xuống hạ du, cải thiện khí hậu và bảo đảm chủ động trữ nước để điều tiết cho dạ du. Sông Vu Gia có thêm nguồn nước bổ sung từ NMTĐ A Vương sẽ bảo đảm cung cấp nước tưới vụ hè thu cho gần 10.000ha ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng một cách chủ động với dự kiến trữ lượng nước tưới cần thêm lên đến 90 triệu m3. Căn cứ vào lịch xả nước của NMTĐ này, các trạm bơm chính đặt dọc theo các nhánh sông hạ lưu sông Vu Gia và các trạm bơm lưu động, dự phòng đặt dọc theo các dòng sông nói trên dễ dàng, chủ động bơm nước tưới và chống hạn cứu lúa.
Ý nghĩa lớn nhất của việc “5 ngày xả, 5 ngày nghỉ” là Trạm bơm phòng mặn An Trạch ở thượng lưu đập dâng An Trạch được bảo đảm mực nước và độ cao cột nước cho các máy bơm hoạt động, đưa nước về cho 2 nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân bay sản xuất nước sinh hoạt, cung cấp cho người dân thành phố Đà Nẵng vì sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng và sẽ không rơi vào tình huống báo động đỏ như đã xảy ra vào nhiều ngày trong tháng 2, 3 và 4-2013.
Tuy rằng lưu lượng xả nước của các NMTĐ vẫn chưa đủ so với nhu cầu của hạ du, chưa đủ rửa mặn cho sông Cầu Đỏ và việc NMTĐ Đắk Mi 4 vẫn chưa chịu mở cửa xả đáy trả nước về sông Vu Gia một giọt nào còn gây sự phản ứng, bức xúc của dư luận; nhưng việc các NMTĐ duy trì xả nước suốt vụ hè thu này với lưu lượng nước được cân đối hợp lý dựa trên kế hoạch, nhu cầu nước ở hạ du thể hiện sự liên kết, cùng chia sẻ trách nhiệm, lợi ích kinh tế-xã hội và mở ra hướng hợp tác, chia sẻ khai thác nguồn tài nguyên nước, phát huy hiệu quả đầu tư các công trình thủy lợi, thủy điện và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Những số liệu và quy trình, cách thức phối hợp điều hành thuỷ điện xả nước chống hạn trong vụ hè thu này sẽ là cơ sở quan trọng và được đúc rút kinh nghiệm để hình hành quy trình vận hành xả nước hồ chứa thủy điện mùa kiệt chính thức cho các nhà máy thủy điện thực hiện xả nước vào những mùa khô hạn sau. Nhưng trước tình hình khô hạn gay gắt như hiện nay cũng như lâu dài, cần giám sát chặt chẽ việc xả nước của các NMTĐ, nhằm bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cho người dân thành phố Đà Nẵng.
HOÀNG HIỆP