.

Tìm đầu ra ổn định cho nông sản

Giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp mặc dù không là vấn đề mới, nhưng khi chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được đẩy mạnh thi đua thực hiện sôi nổi trên khắp cả nước trong thời gian gần đây thì bài toán giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đang được nhắc tới nhiều nhất, cũng đáng lo lắng và trăn trở nhất cho người nông dân.

Điệp khúc được mùa nhưng nông sản bị doanh nghiệp, tư thương chèn ép giá, buộc nông dân phải bán tháo sản phẩm rẻ rúng là điều được nhìn thấy và cảnh báo từ trước, nhưng hầu như chính sách hỗ trợ nông dân, đặc biệt là gắn kết nhà nông với doanh nghiệp còn quá lỏng lẻo, chưa mang lại hiệu quả. Vì vậy, mong đợi của người nông dân hiện vẫn chưa được đáp ứng kịp thời. Nông dân chí thú làm ăn, cần mẫn thức khuya dậy sớm, tần tảo chăm sóc cây trồng, con vật nuôi để mang lại năng suất cao nhưng giá trị kinh tế quá thấp, không tương xứng do đầu ra cho nông sản chưa được giải quyết triệt để, thì vô hình trung chính sách đầu tư cho nông nghiệp sẽ không mang lại hiệu quả như mục tiêu ban đầu.

Riêng tại Đà Nẵng, vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp vẫn là bài toán khó, bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả chính quyền địa phương, người nông dân và doanh nghiệp. Thực tế, hiện nay tại huyện Hòa Vang đã và đang hình thành nhiều mô hình chuyên canh sản xuất nấm, hoa, rau, nuôi tôm, lúa giống, dưa hấu… hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu… Song, chỉ có sản xuất lúa giống tại xã Hòa Tiến được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ; còn lại, các nông sản như: tôm, nấm, cá, hoa, rau vẫn chưa có sự tích cực của doanh nghiệp trong vấn đề bao tiêu sản phẩm lâu dài, hoặc có nhưng còn thiếu tính ổn định cho công đoạn bao tiêu nông sản. Riêng với vùng sản xuất rau sạch và an toàn tại thôn La Hường, phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, theo yêu cầu của doanh nghiệp, khi muốn đưa rau vào hệ thống siêu thị bày bán thì phải bảo đảm nguồn hàng ổn định, không bị đứt hàng gây ảnh hưởng bất lợi đến uy tín của doanh nghiệp. Mà điều này, nhà nông rất khó đáp ứng yêu cầu cung ứng đủ, chất lượng trong mùa mưa bão hằng năm.

Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) tổ chức ngày 25-6 cho thấy Đà Nẵng đã hình thành nhiều mô hình sản xuất sản tập trung quy mô lớn, sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng có giá trị cạnh tranh cao trên thị trường. Đây là tín hiệu khả quan cho thấy sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của các ngành, các cấp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuy nhiên, vấn đề sớm xây dựng chiến lược, tìm đầu ra ổn định cho nông sản của Đà Nẵng là điều cần được quan tâm trong thời gian đến, song song với công tác quy hoạch, đào tạo giải quyết việc làm cho nông dân. Một số ý kiến cho rằng, cần phải tổ chức nhiều hơn các cuộc gặp mặt giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp để người nông dân có cơ hội tự giới thiệu và đưa sản phẩm hàng hóa ra thị trường tiêu thụ ổn định. Bên cạnh đó, nông dân cần trợ giúp để sản phẩm có mặt thường xuyên ở các triển lãm, hội chợ nông sản trong và ngoài thành phố. Nếu làm tốt công tác quảng bá thương hiệu cho sản phẩm thì vấn đề giải quyết đầu ra cho nông sản sẽ thuận lợi hơn. Để làm được việc này, vai trò của chính quyền địa phương và các sở, ngành chức năng rất quan trọng. Bởi, người nông dân vốn chỉ sản xuất giỏi nhưng họ yếu kỹ năng, thiếu thông tin kịp thời về nhu cầu của doanh nghiệp và định hướng trên thị trường. Ngược lại, qua các cuộc làm việc giữa các ngành chức năng với chủ các doanh nghiệp trong thời gian gần đây, doanh nghiệp đang thiếu thông tin về sản phẩm thế mạnh ngay tại địa phương. Điều này cho thấy, cần có sự kết nối mạnh mẽ hơn giữa Nhà nước, nhà nông và doanh nghiệp để nông dân sớm hưởng lợi từ chính sản phẩm họ chắt chiu làm ra.

DIỆU MINH
 

;
.
.
.
.
.