Đây không phải là lần đầu tiên Đà Nẵng xuất hiện tin đồn bún có hóa chất tẩy trắng. Có người tin, người không tin, nhưng chắc chắn một điều: Tin đồn dù ở đâu, lĩnh vực nào, nhắm vào ai cũng đều hết sức nguy hại.
Với hàng chục hộ sản xuất bún ở huyện Hòa Vang, tin đồn thất thiệt trong những ngày qua không chỉ tác động trực tiếp đến tâm lý, xáo trộn cuộc sống của người dân mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác đối với xã hội. Hòa Vang là vùng nông thôn, đời sống người dân quê còn nghèo nhưng không ít người nỗ lực vươn lên làm giàu bằng phát triển kinh tế. Đổi mới công nghệ, giải phóng sức lao động, tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng sản phẩm… là những hướng đi luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, khuyến khích trong phát triển các loại hình kinh tế. Đặc biệt, ở các vùng quê nghèo, thay đổi tư duy sản xuất là con đường giúp các địa phương trong cả nước “thay da đổi thịt” trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Thật nghịch lý khi trình độ khoa học đi lên mà đời sống người dân thì mãi dẫm chân tại chỗ. Xét ở khía cạnh nào đó, nông dân muốn làm giàu chính đáng bằng việc vươn lên từ lò bún thủ công hàng 5 - 7 năm ròng rã mới có điều kiện đầu tư máy móc để sản xuất. Trước tin đồn đó, ít nhiều họ bị chao đảo cả về tinh thần lẫn vật chất một cách oan ức.
Một nông dân có nghề làm bún lâu đời ở xã Hòa Phong từng gạt nước mắt tâm sự: Cách đây 2 năm, ở xã cũng rộ lên tin đồn người làm bún pha hóa chất tẩy trắng. Sau đó, cơ quan kiểm định chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố đến lấy mẫu xét nghiệm nhưng rồi chẳng thấy hồi âm, trả lời cho người dân. Dù tự hiểu là bún không có chất độc hại nhưng không ít các chủ lò bún đã phải đổ nợ một thời gian vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Có thể chưa biết sự việc thật hư ra sao, nhưng người tiêu dùng chắc chắn sẽ phản ứng tẩy chay ngay sản phẩm “có vấn đề”. Sự tổn thất về vật chất và tinh thần của bà con nông dân thì không thể lấy lại được.
Tin đồn là “sản phẩm” thông tin không mới, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Người tiêu dùng trong nước liên tục hoang mang bởi các tin đồn như cam Trung Quốc đội lốt cam Vĩnh Long; xăng, dầu sắp tăng giá; sữa Vinamilk có sinh vật lạ, bánh snack tôm có đỉa, uống nước tăng lực Redbull bị mục xương, ăn bưởi bị ung thư… Và tin đồn các cơ sở bún làm bằng máy ở Hòa Vang có hóa chất tẩy trắng không ngoại lệ bị kẻ xấu tung tin nhằm mục đích triệt phá việc làm ăn của nhiều người. Đằng sau đó sẽ là cơ hội của kẻ tung tin. Trong kinh doanh vẫn luôn có sự cạnh tranh hai mặt: công bằng và thiếu lành mạnh. Nhưng nếu cạnh tranh bằng cách tung tin đồn, hạ uy tín danh dự của người khác sẽ gây ra hậu quả rất khó lường. Nghị định 84 ngày 20-9-2011 của Chính phủ quy định tại Điều 18 nhắc tới hành vi “bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường” sẽ bị xử phạt.
Với những tin đồn được truyền khẩu với tốc độ lan nhanh trong “thế giới mạng” ngày nay, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng làm sáng tỏ. Đồng thời, trước những tin gây sốc, người dân phải thật sự bình tĩnh, tự mình thẩm định, đánh giá thông tin hoặc chờ tin chính thống được công bố, từ đó sẽ giúp ngăn chặn sự lan rộng của tin đồn đến mức thấp nhất. Cơ quan chức năng cũng cần lên tiếng kịp thời để trấn an dư luận trước khi sự việc đi quá xa…
DUYÊN ANH