.

Tôn trọng sự thật

“Tuyên truyền anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe” (Báo Cứu Quốc, ngày 9-1-1946). Đọc lại những điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở, dặn dò các thế hệ làm báo về những vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, chúng ta thấy nó vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay.

Tôn trọng sự thật là phẩm chất hàng đầu trong đạo đức của người làm báo. Cách diễn đạt có thể khác nhau nhưng sự thật chỉ có một, người làm báo phải đưa tin sự thật đó đúng với bản chất của sự kiện, hiện tượng. Sự thật có khi hiển hiện ở ngay bề ngoài sự kiện, hiện tượng nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Còn nhớ sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ, một số tờ báo đã đưa tin sự kiện “cướp hoa” trên Đường hoa Bạch Đằng thành phố Đà Nẵng lần đầu tiên được tổ chức. Dư luận phản ứng mạnh kiểu đưa tin giật gân hóa, không tôn trọng sự thật và những tờ báo này sau đó phải đính chính. Trong quá khứ đã có những thông tin thất thiệt, thiếu cơ sở khoa học trên báo chí về các sản phẩm nông nghiệp khiến nhà nông khóc ròng vì không tiêu thụ được sản phẩm. Tác hại của thông tin báo chí thiếu chính xác, không tôn trọng hoặc làm méo sự thật theo thiên kiến của người viết gây tác hại khôn lường cho xã hội, có thể gây thiệt hại, tổn thất uy tín cho doanh nghiệp, người dân; đẩy phong trào của tổ chức, địa phương đi xuống.

Cần khẳng định phần lớn các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đưa tin, bình luận đúng bản chất của sự kiện đã có tác dụng cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến; biểu dương phong trào thi đua yêu nước; đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu và các tệ nạn xã hội; chống lại các luận điệu sai trái, bảo vệ chủ quyền biển, đảo... Nhiều phản biện của báo chí được Đảng, Nhà nước tiếp thu để đưa ra những chủ trương, chính sách đúng ý Đảng, hợp lòng dân, có những đóng góp đáng kể vào thành tựu chung của đất nước. Để tìm hiểu bản chất sự kiện, phản ánh đúng tình hình, nhiều nhà báo phải vất vả, chịu đựng nhiều gian khổ, sức ép và phải lao lực cả thể xác lẫn trí óc, đôi khi phải chịu áp lực nhất là khi có những thế lực không muốn cho nhà báo biết và viết ra sự thật. Để tìm hiểu và viết lên sự thật cũng là thể hiện tinh thần trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm xã hội rất cao của những người làm báo.

Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2013), những người làm báo lại càng nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn những người làm báo: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”, qua đó tiếp tục động viên nhau thực hiện nhiệm vụ của nhà báo là góp phần thúc đẩy xã hội tốt đẹp hơn, triệt để chống lại cái xấu, cái ác, cái giả, đấu tranh cho sự chân - thiện - mỹ.

HOÀNG ANH

;
.
.
.
.
.