.
10 NĂM ĐÀ NẴNG ĐÔ THỊ LOẠI 1 (15-7-2003 - 15-7-2013)

10 năm, suy nghĩ của tôi

Người dân Đà Nẵng, thế hệ bắc cầu qua hai thế kỷ 20, 21, chắc ai cũng khó quên những năm tháng ấy.

Mồng 1 tháng giêng năm 1997, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngày 15-7-2003, Đà Nẵng được công nhận là đô thị loại 1 cấp quốc gia.

Chưa đầy hai tháng sau, tập thể Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã đến Đà Nẵng làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy và ngày 16-10-2003, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Nhớ về những ngày ấy ai chẳng thấy đó thật là những ngày sôi động. Những gì là nhếch nhác, lộn xộn được đẩy lùi. Xóm nhà chồ trên sông Hàn, hình ảnh của kiếp người dưới đáy xã hội như có chiếc đũa thần hóa phép, biến mất. Cầu Sông Hàn đầu tư chỉ có 100 tỷ đồng, nhưng đã gửi gắm trong đó những ân tình không tiền bạc nào tính được và cho đến nay, hiệu quả, tiện ích của nó có lẽ những cây cầu sinh sau hiện đại hơn, hoành tráng hơn cũng không thể nào sánh bằng.

Nhìn lại 10 năm ấy vào lúc này chúng ta ai cũng thấy phấn chấn về những gì đã làm được. Nó đang hiển hiện quanh ta. Cây cầu Trần Thị Lý, một cánh buồm căng gió đang vươn tới chân trời mới. Bệnh viện Ung thư, địa chỉ nhân đạo tin cậy đang gửi đến những người mắc bệnh hiểm nghèo thông điệp “Có chúng tôi, bạn ơi đừng tuyệt vọng”. Những bậc cao niên sáng nào cũng tập thể dục nơi Công viên Biển Đông nhưng mỗi bình minh lại thấy yêu hơn thành phố này, con đường Hoàng Sa, biển xanh và đàn chim câu hiền lành.

Không phải mọi việc đều mỹ mãn hoàn hảo, nhưng sự đồng thuận đích thực của cộng đồng dân cư với những quyết sách táo bạo của lãnh đạo thành phố đã đem đến cho thành phố một luồng sinh khí, hơn thế một động lực phát triển.

Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, rồi Đà Nẵng là đô thị loại 1 cấp quốc gia. Đó là sự ghi nhận, sự khẳng định không có gì phải bàn cãi. Nghị quyết 33 mới chính là sự chỉ đạo chiến lược, sự tin cậy giao phó với những mục tiêu và yêu cầu cao về nhiều mặt đối với Đà Nẵng của Đảng, của đồng bào và chiến sĩ cả nước.

10 năm phấn đấu, và còn khoảng 5 năm nữa là chúng ta chạm mốc “trước năm 2020”.

Với Nghị quyết 33, vấn đề đặt ra là: Đà Nẵng có trở thành một trong những đô thị lớn, có trở thành một trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch dịch vụ, một trung tâm bưu chính-viễn thông, ngân hàng tài chính, một trung tâm văn hóa-thể thao, giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ của miền Trung hay không. Đà Nẵng có trở thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và có trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020 hay không.

Điều quan trọng nhất lúc này là chúng ta phải có những lời đáp sáng tỏ, chắc chắn cho những câu hỏi mà Nghị quyết 33 đặt ra.

Những yêu cầu của Nghị quyết 33 đối với Đà Nẵng như có hai vế.

Một là, với Đà Nẵng, Đà Nẵng phải cơ bản trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020.

Hai là, trong quan hệ với cả nước, đặc biệt với miền Trung, Đà Nẵng phải trở thành một đô thị lớn, một trung tâm (trên nhiều lĩnh vực) của miền Trung, một địa phương đi đầu.

Tất cả hai nội dung này có liên hệ biện chứng với nhau.

Trở thành một thành phố công nghiệp nếu chỉ tính đơn giản trên cơ cấu ngành kinh tế thì ngay từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cơ cấu của Đà Nẵng đã rất đẹp (với 4 - 5% là thuộc nhóm ngành nông-lâm-thủy sản). Nhưng đây là một thành phố công nghiệp của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện đại hóa thể hiện như thế nào trong công nghiệp và trong thương mại, du lịch, dịch vụ, trong sản xuất nông-lâm-thủy sản. Hiện đại hóa phải là yếu tố hữu cơ trong thiết bị công nghệ, trong phương thức quản lý, trong tay nghề, tác phong, trình độ của người lao động và rộng hơn thế trong nếp sống văn minh đô thị của mỗi người dân. Vì vậy, chúng ta cần hết sức thận trọng khi đánh giá mức độ hiện đại hóa nền kinh tế và mọi hoạt động xã hội của mình.

Để bảo đảm mau chóng và thật sự hiện đại hóa, chúng ta đã xác định hướng đột phá là phát triển công nghệ cao và công nghệ thông tin. Đây là một phương hướng đúng, không thể khác, trong hoàn cảnh Đà Nẵng chỉ có diện tích 1.200km2 và đồng thời xem du lịch dịch vụ là một ngành kinh tế mũi nhọn, một hướng đột phá.

Chúng ta phấn khởi với những tín hiệu vui đầu tiên về công nghệ thông tin. Nhiều năm liền, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng cho công nghệ thông tin và đang có kế hoạch xây dựng một thành phố thông minh, việc xuất khẩu phần mềm tăng trưởng khá. Khu công nghiệp công nghệ thông tin đã được khởi động. Tất nhiên phải có những nỗ lực vượt bậc và những giải pháp hữu hiệu mới bảo đảm tiến độ xây dựng khu công nghiệp công nghệ thông tin và thu hút được các nhà đầu tư có tên tuổi vào đây tạo nên thương hiệu cho công nghệ thông tin Đà Nẵng.

Khu công nghệ cao chỉ mới khai sinh, việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới bắt đầu nhưng cũng đã có 2 dự án được cấp phép với tổng vốn 40 triệu và 21 triệu đô-la. Có người nói, khu công nghệ cao và công nghệ thông tin là sản phẩm lệ thuộc một phần quan trọng vào các nhà đầu tư nước ngoài nên không thể chủ động xác định một lộ trình triển khai được. Đúng là ở đây có chuyện cơ may. Song vì sao Bắc Ninh rồi Thái Nguyên đã tiếp nhận được các dự án công nghệ cao cả tỷ đô-la, chúng ta phải thực sự cầu thị, khiêm tốn học hỏi.

Trong lúc dành sự quan tâm sâu sắc thực hiện hai hướng đột phá trên, chúng ta vui mừng với những phát triển của các doanh nghiệp FDI tăng vốn, mở rộng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành sữa, bia, dệt-may, cao su, v.v... đã vượt nhiều khó khăn, có những cơ sở mới, dây chuyền công nghệ mới, tạo ra một khối lượng không nhỏ các sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Và chúng ta hết sức ủng hộ, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ bươn chải trong bão tố, duy trì phát triển sản xuất.

Với lĩnh vực du lịch, dịch vụ thì rõ ràng mọi tiện ích dành cho du khách phải vươn tới trình độ công nghệ cao, song những sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm văn hóa lại phải đậm đà bản sắc dân tộc, làm thế nào kết hợp hài hòa, hiện đại và cổ truyền để tạo ra sức hấp dẫn của du lịch vẫn đang là một thách thức.

Đánh giá quá trình thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa với đòi hỏi nghiêm túc, Đà Nẵng đã đạt được hiện đại hóa chưa, những gì còn là bất cập, là điểm yếu. Vấn đề này đang còn bỏ ngỏ. 5 năm tới, chúng ta bằng lao động sáng tạo của mình sẽ làm tất cả những gì cần phải làm để có một Đà Nẵng hiện đại và sẽ có lời đáp cho vấn đề này.

Từ khi có Nghị quyết 33, 10 năm qua đâu đó chúng ta và bè bạn có nói đến, nhắc đến vai trò trung tâm của Đà Nẵng, đến vị trí một địa phương đi đầu của Đà Nẵng với miền Trung.

Thời gian gần đây chúng ta dần dần quen với sự đánh giá của các tổ chức độc lập, nhưng quả thực chúng ta chưa thuận lòng, còn nhiều băn khoăn khi được xem là trung tâm, được cho là có vị trí đi đầu.

Chúng ta đều biết trung tâm là phải có sức lan tỏa, thu hút và đi đầu thì luôn phải nêu gương và có thể có sự chi viện, chia sẻ với đồng đội.

Trung tâm, đi đầu - những vinh dự đó không tự nhiên mà có, nó là kết quả của một quá trình phấn đấu không mệt mỏi, nó phải được tâm phục khẩu phục từ những phi trung tâm, từ những thê đội kế tiếp.

Hiện nay ai cũng biết chuyên gia đầu ngành về tim mạch ở miền Trung thuộc về Bệnh viện Trung ương Huế. Vậy Đà Nẵng có thể nào tự xưng mình là trung tâm y học của miền Trung được.

Nếu đặt câu hỏi Huế, Đà Nẵng, Hội An-Quảng Nam, Nha Trang đâu là trung tâm du lịch của miền Trung thật khó trả lời bởi “mỗi nơi mỗi vẻ mười phân vẹn mười”. Có lẽ đành chấp nhận thực trạng đa trung tâm và vấn đề đang được quan tâm hơn cả là phối hợp kết nối sao cho tất cả cùng phát triển, cùng thắng lợi (xem ra không hề đơn giản!).

Tựu trung Đà Nẵng có là đô thị lớn không? Có trở thành trung tâm (trên nhiều lĩnh vực) không? Có trở thành một địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa không?

Chúng ta luôn luôn hiểu và ghi tạc đây là sự giao phó tin cậy của Bộ Chính trị, của Đảng, của đồng bào, chiến sĩ cả nước dành cho Đà Nẵng.

Chúng ta không nói là chúng ta không quan tâm, chúng ta luôn luôn canh cánh ngày đêm trách nhiệm cùng cả nước, vì cả nước. Nhưng điều day dứt chúng ta hơn cả là làm thế nào để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững để mỗi người, mỗi nhà đều có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc. Thành phố mà chúng ta hướng tới và mơ ước là “một thành phố công nghiệp, một thành phố có môi trường đô thị văn minh và giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành và đời sống văn hóa cao, làm giàu bằng kinh tế tri thức, một thành phố hài hòa, thân thiện, an bình, một thành phố hấp dẫn và đáng sống”.

Theo tôi, đây là những gì cô đọng tinh túy nhất trong Nghị quyết Đại hội XX của Đảng bộ thành phố và tôi cũng hiểu nó đã thể hiện thấm đượm những gì là cao đẹp, sâu sắc nhất của Nghị quyết 33.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.