.

Du lịch: Hiệu quả và mức độ đầu tư

Từ khi Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” xác định phát triển du lịch dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng, cơ cấu kinh tế thành phố đã chuyển dịch rõ rệt theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp. Tuy nhiên,  trong 10 năm qua, ngành du lịch thành phố đã phát triển kịp mục tiêu đề ra hay chưa thì cần có sự đánh giá lại hiệu quả và mức độ đầu tư.

Không quá xô bồ nhưng lượng khách đổ về với biển Đà Nẵng trong  mùa hè này đã làm cho nhiều địa phương có tiềm năng du lịch phải ganh tỵ. Sự sôi động của du lịch biển đã góp phần mang lại doanh thu mùa vụ cho các dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống, giải khát ven biển. Để có được kết quả hôm nay, Đà Nẵng đã phải dồn sức đầu tư rất nhiều để mở đường cho việc ra đời dịch vụ lưu trú. Xuất phát từ ý tưởng du lịch biển phải gắn với dịch vụ nghỉ dưỡng, toàn bộ tuyến đường vòng cung tuyệt đẹp ven biển Đà Nẵng đã được  thành phố quy hoạch, phát triển hạ tầng phục vụ chủ yếu dành cho chuỗi resort và căn hộ cao cấp. Tuy nhiên, một điều khá bất ngờ khi hỏi về hiệu quả đầu tư cho ngành du lịch trong suốt 10 năm qua, mà cụ thể là nguồn thu ngân sách từ các dự án này, thì Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết vẫn chưa có gì.

Doanh nghiệp nào cũng báo lỗ, trừ khu vui chơi dành cho người nước ngoài của Crowne Plaza phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Đơn cử, khu nghỉ mát 5 sao Furama Resort Danang  ra đời vào năm 1997, là khu nghỉ mát biển sang trọng đầu tiên của Việt Nam, nhưng doanh thu năm 2012 vẫn chỉ  đạt 190 tỷ đồng. Nếu so với một số doanh nghiệp thương mại, sản xuất trên địa bàn thành phố thì đây chưa phải là con số lớn.

Để xây dựng thương hiệu cho ngành du lịch, thành phố cũng đã huy động các nguồn lực xã hội tổ chức thịnh soạn các “bữa tiệc pháo hoa” tầm cỡ quốc tế. Đây là chiến lược tiếp thị hình ảnh thành phố đối với du khách quốc tế và các nhà đầu tư. Nhưng nếu so sánh với Quảng Nam liền kề, thì lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng trong năm qua cũng mới chỉ bằng một nửa.

Về mức độ đầu tư cho ngành du lịch cũng cần có đánh giá cụ thể hơn. Ngay từ năm 2011, UBND thành phố Đà Nẵng đã ký quyết định phê duyệt Chương trình Phát triển Du lịch thành phố, giai đoạn 2011-2015 với tổng số vốn đầu tư là 3.190 tỷ đồng.  Định hướng phát triển du lịch của thành phố tập trung vào các mũi nhọn như: du lịch biển, nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái; du lịch văn hóa, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề; du lịch công vụ mua sắm, hội nghị, hội thảo. Số tiền đầu tư hơn 3.000 tỷ trên sẽ tập trung vào việc quy hoạch tổng thể Khu bán đảo Sơn Trà, quy hoạch và xây dựng Công viên Văn hóa Ngũ Hành Sơn, quy hoạch khu Làng Vân, đèo Hải Vân, các khu vui chơi giải trí, bán hàng lưu niệm, khu mua sắm, phố du lịch Bạch Đằng… Trong đó, kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước 167 tỷ đồng, còn lại huy động từ các nguồn khác. Thế nhưng đích đến 2015 đã cận kề mà  Đà Nẵng vẫn chưa có khu vui chơi, giải trí hay khu phố mua sắm nào ra đời. Sự thiếu vắng các  dịch vụ mua sắm, giải trí, các đường bay quốc tế và thiếu chuẩn bị về nguồn nhân lực đã làm giảm đi tính chuyên nghiệp trong kinh doanh du lịch của một thành phố chọn “công nghiệp không khói” là mũi nhọn cho sự phát triển.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, gần đây đã có thêm nhiều ý tưởng đóng góp để tiếp tục đầu tư cho sự phát triển của ngành du lịch thành phố,  nhưng dường như vẫn còn thiếu những ý tưởng khác biệt, có thể xem là “điên rồ”, nên ngành du lịch vẫn chưa thể cất cánh. Vì vậy, đến thời điểm này, Đà Nẵng đã trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước nhưng hiệu quả kinh tế mang lại vẫn chưa thể xem là đáp ứng mong đợi so với yêu cầu phát triển của địa phương.

PHƯƠNG NGUYỄN

;
.
.
.
.
.