.

Giao tính mạng theo... khuyến cáo

Nên tiêm hay không tiêm vaccine cho con, đó là điều các bậc cha mẹ luôn đắn đo, nhưng rồi quyết định thường là… tiêm. Bởi người dân mù tịt kiến thức về vaccine, làm cha mẹ cũng chỉ giỏi cho con ăn, ngủ, học hành, chứ có biết thuốc nào tốt, thuốc nào xấu. Họ chỉ còn cách tin khuyến cáo của ngành y tế và quyết định của bác sĩ. Trong chuyện thuốc thang, gần như tất cả mọi người phải “ngoan ngoãn” làm theo chỉ định của thầy thuốc. Tiêm vaccine cũng vậy, khuyến cáo sao, người dân nghe vậy.

Với việc tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu, từ trước đến khi chưa xảy ra sự cố tử vong như vừa qua, nhiều bậc cha mẹ luôn lo lắng. Nhìn đứa con đỏ hỏn mới lọt lòng vài giờ đồng hồ đã bị tiêm một mũi thuốc, dù xót khi con phải tiêm vaccine quá sớm, nhưng phần lớn mọi người đều tự nguyện đồng ý, bởi theo khuyến cáo thì tiêm càng sớm, hiệu quả càng cao.

Sau mũi vaccine viêm gan B được tiêm ngay tại bệnh viện, đứa trẻ sẽ còn được tiêm nhiều loại vaccine phòng bệnh khác nữa trong nhiều năm sau đó, nhất là giai đoạn trước 1 tuổi. Khổ nỗi, lâu lâu lại “lòi” ra vụ sốc thuốc dẫn đến tử vong khiến mọi người điếng hồn hú vía cho con mình.

Cách đây không lâu là vụ vaccine Quinvaxem 5 trong 1. Sau thời gian hồ hởi vì loại này giúp hạn chế nhiều mũi tiêm vì chỉ cần một liều có thể phòng nhiều bệnh một lúc, thì sau đó, hàng loạt vụ trẻ em nhập viện, sốc thuốc xảy ra khiến ngành y tế phải cho dừng Quinvaxem trên toàn quốc. Nay thì “lệnh ngưng” đã được dỡ bỏ khi người ta đang cân nhắc sử dụng lại vì xét thấy tính an toàn của nó. Dẫu vậy, đã mất lòng tin một lần thì khó lấy lại được, nhiều bậc cha mẹ sẽ lo hơn là liều cho con tiêm vaccine.

Vì người dân chỉ biết giao tính mạng cho ngành y tế, nên rất cần ngành này đưa ra những khuyến cáo thật chuẩn xác, dù thuốc loại nào cũng có tác dụng phụ và luôn tồn tại xác suất không an toàn đối với một số đối tượng nhất định. Vaccine cũng không loại trừ khả năng này. Nhưng như kiểu nói “hàng hai” thì khó chấp nhận. Lâu nay, vaccine viêm gan B luôn được khuyến cáo nên tiêm trong 24 giờ đầu. Ấy vậy mà sau khi xảy ra vụ tử vong sau tiêm vaccine viêm gan B, nhiều chuyên gia, người có chuyên môn lại lên tiếng “không nhất thiết phải tiêm trong 24 giờ đầu” (!?). Rất nhiều dẫn chứng, kết quả nghiên cứu được đưa ra để minh chứng cho khuyến cáo… ngược này, rằng trẻ tiêm sớm như thế có hại nhiều hơn lợi.

Vậy là sao? Cuối cùng, cha mẹ đồng ý tiêm vaccine cho con là thương hay đang tiếp tay hại con mình? Nói đằng nào có lẽ cũng không sai thì phải. Nhưng đặt trong hoàn cảnh của các bậc phụ huynh, dù ngành y tế vừa nói loại này tốt, xong lại nói nó xấu, rồi chuyển qua kết luận nó không xấu như vậy mà vẫn tốt…, thì họ cũng phải chuyển lòng tin loạn xạ lên thôi.

Thế nên, rất cần ngành y tế, những cơ quan chức năng có các công trình nghiên cứu về hiệu quả, tác dụng của vaccine tại Việt Nam để có kết luận thật chuẩn xác trước khi đưa ra khuyến cáo sử dụng loại nào, vào thời điểm nào. Nếu chỉ nghe theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hoặc tin vào các công ty dược thì e là lâu lâu lại “lòi” ra những khuyến cáo phủ định các khuyến cáo trước đó. Chỉ tội khổ cho người dân, và thương cho các em bé là nạn nhân của… khuyến cáo.

THU HOA

;
.
.
.
.
.