.

Gỡ khó bằng chính sách thuế

Năm 2013 là năm có rất nhiều chính sách thuế mới được áp dụng. Theo đó, từ ngày 1-7, một số sửa đổi, bổ sung của các luật: Quản lý thuế, Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Thu nhập cá nhân (TNCN) và Giá trị gia tăng (GTGT) chính thức có hiệu lực thi hành... Đây là một trong những động thái hỗ trợ thiết thực, nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn về thuế giúp cộng đồng doanh nghiệp (DN) ổn định sản xuất kinh doanh...

Thực tế cho thấy, những chính sách ưu đãi về thuế trong những năm trước đây đã phát huy tác dụng tích cực khi cộng đồng DN có thêm vốn để duy trì sản xuất và hồi phục kinh doanh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh... Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều DN ngừng hoạt động, thậm chí giải thể, việc triển khai các giải pháp về thuế như hiện nay là hết sức cần thiết. Để kịp thời chia sẻ khó khăn của DN, các biện pháp miễn, giãn, giảm và gia hạn thuế không chỉ góp phần giảm nghĩa vụ của DN, mà còn giúp DN tháo gỡ khó khăn tạm thời về vốn đầu tư, bổ sung thêm nguồn vốn để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Trên cơ sở đó, DN có thể vượt qua khó khăn, phát triển và tiếp tục đóng góp vào nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) những năm tiếp theo. Vì vậy trong nhóm các giải pháp về tài chính thì giải pháp về thuế vẫn được xem là cốt yếu.

Cải thiện chính sách thuế theo hướng giảm dần mức đóng góp của DN, sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh lành mạnh, đồng thời tạo dựng hành lang hợp lý về thuế đối với khu vực và trên thế giới. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, góp phần cùng DN vươn ra trên trường thế giới. Việt Nam đã gia nhập WTO nên cải cách lộ trình về thuế cũng cần phải hoàn thiện, điều này không chỉ đem lại lợi ích cho các DN trong nước mà các DN nước ngoài cũng sẽ mạnh dạn đầu tư vào Việt Nam, một khi chúng ta có chính sách cởi mở hơn về thuế. Cùng với đó là kỳ vọng về những lợi ích hữu hình và vô hình từ việc mở rộng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có gia tăng sản xuất, công ăn việc làm, tăng nguồn thu từ thuế…

Lâu nay thuế và phí vẫn là nút thắt khó của không ít DN, nên việc giảm, giãn và gia hạn thời gian nộp thuế theo quy định mới sẽ được kỳ vọng tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, với hàng hóa và dịch vụ giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn cho người tiêu dùng. Việc đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phong phú hơn và giá thấp hơn cho sản xuất trong nước; cả những mô hình, phương thức quản lý mới, hiện đại và hiệu quả hơn cho DN. Vì vậy, việc giảm thuế TNDN của các DN có số lao động dưới 200 người và doanh thu dưới 20 tỷ đồng/năm xuống còn 20%; áp thuế suất 10% đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội; các đơn vị hoạt động báo in sẽ được miễn thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 10%... cũng như nâng cao mức giảm trừ gia cảnh, mức chịu thuế TNCN lên, cũng không nằm ngoài mục đích tháo gỡ nút thắt khó khăn cho DN.

Trước những dự báo về xu hướng kinh tế năm 2013 sẽ tiếp tục còn khó khăn, việc nhanh chóng triển khai những giải pháp quan trọng về thuế được cộng đồng DN hết sức quan tâm. Hơn ai hết DN và người dân kỳ vọng và quan tâm nhất là những chính sách hỗ trợ được triển khai cụ thể, kịp thời giúp họ có thể nhìn thấy ngay được các lợi ích mà mình được thụ hưởng. Tuy nhiên, để chính sách hỗ trợ của Chính phủ sớm đến được với DN, cũng cần sự hỗ trợ tích cực từ những người làm công tác thuế. Bởi, qua ý kiến đóng góp của nhiều DN tại các buổi tọa đàm về chính sách thuế được Cục Thuế thành phố tổ chức gần đây cho thấy, vẫn còn tồn tại, vướng mắc nhiều thủ tục hành chính về thuế; những đòi hỏi, sách nhiễu chưa thật sự chấm dứt...

Dẫu biết rằng, các chính sách về thuế được áp dụng từ ngày 1-7 này sẽ tác động làm giảm nguồn thu. Tuy nhiên, khi hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển trở lại sẽ tạo nguồn thu đóng đóp vào ngân sách; nói cách khác, đây là việc nuôi dưỡng nguồn thu. Mặt khác, số giảm thu ngân sách do giảm thuế suất và ưu đãi thuế cũng sẽ được bù đắp thông qua các sắc thuế khác, do DN sử dụng một phần lợi nhuận tăng thêm từ việc giảm thuế suất để tăng vốn đầu tư, tăng thu nhập và phúc lợi cho người lao động; qua đó góp phần làm tăng tổng cầu của nền kinh tế.

Việc tháo gỡ khó khăn về thuế cho cộng đồng DN lần này, tin rằng sẽ góp phần khuyến khích DN có thêm điều kiện đầu tư, phát triển sản xuất qua đó có tác động tích cực đối với kinh tế-xã hội trong trung hạn và dài hạn.

PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.