.

Khoảng cách còn xa

Từ vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2011, Đà Nẵng đã vươn lên đứng thứ 2 trên 63 tỉnh, thành cả nước vào năm 2012. Đây là một trong chỉ số quan trọng để Đà Nẵng hướng đến xây dựng chính quyền có môi trường thân thiện, là cơ sở để các đại biểu HĐND thành phố có thêm cách nhìn toàn diện, khách quan về việc hoạch định chính sách pháp luật, việc thực thi pháp luật được ở địa phương cũng như quan điểm, cách nhìn nhận của người dân về hệ thống các cơ quan công quyền của thành phố.

Kết quả PAPI 2012 cho thấy, 2 chỉ số thành phần Đà Nẵng có mức điểm tăng cao nhất là công khai, minh bạch và kiểm soát tham nhũng. Bên cạnh đó, 2 chỉ số thành phần là dịch vụ công và  thủ tục hành chính công tiếp tục giữ được thứ bậc cao, lần lượt xếp vị trí thứ nhất và nhì.

Chỉ số PAPI được các nhà nghiên cứu và phân tích quản trị hành chính công của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) đánh giá là tấm gương phản ánh sự thay đổi chất lượng dịch vụ hành chính công đối với người dân thông qua  mức độ hài lòng khi người dân trải nghiệm tương tác với các cơ quan công  quyền. Theo đó, Đà Nẵng được đánh giá có sự cải thiện vượt bậc nhờ sự quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” đã từng bước đi vào hoạt động hiệu quả trên cơ sở ghi nhận, tiếp thu các ý kiến góp ý, phản hồi của các tầng lớp nhân dân từ hệ thống chính quyền cơ sở đến các ban, ngành chức năng. Qua đó, chất lượng cung ứng các dịch vụ công được cải thiện; quản lý hành chính, phương thức tiếp nhận và xử lý hồ sơ cho công dân được thay đổi theo hướng hiện đại hóa...

Song song đó, thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để “rèn” công chức khi tiếp xúc, làm việc với người dân. Sự công khai, minh bạch các nội dung theo quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện đúng theo quy định tại cấp phường, xã. Nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai quyết liệt để xây dựng một cơ chế tuyển dụng công chức vào bộ máy Nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, khoa học và thực tài, nhằm  loại trừ mức cao nhất các yếu tố “thân quen” khi xin việc vào cơ quan Nhà nước.  Đặc biệt, trong năm 2012, thành phố đã phát động và thực hiện khá tốt cuộc vận động “3 hơn” (nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn)  để đơn giản hóa công tác cải cách thủ tục hành chính.

Mặc dù ở vị trí á quân, nhưng Đà Nẵng vẫn còn khoảng cách khá xa để đạt đến ngưỡng tuyệt đối  trong các chỉ số thành phần của PAPI. Điều này cho thấy so với yêu cầu  dịch vụ hành chính công của người dân, kết quả này vẫn còn khiêm tốn. Đà Nẵng đã làm tốt việc minh bạch hóa các thủ tục hành chính công, giúp người dân thuận lợi trong việc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng dất, giảm hộ nghèo, các chính sách đền bù giải tỏa… Nhưng chính quyền địa phương còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa, nhất là ở nội dung “mức độ tham gia của người dân ở cấp cơ sở”  hiện còn ở mức trung bình…

Đây chính là những vấn đề cần tiếp tục quan tâm, không phải để đạt được các chỉ số, mà quan trọng hơn là đạt được mối quan hệ tốt giữa chính quyền với nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội!

THU PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.