Mừng là nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) 6 tháng đầu năm 2013 trên địa bàn thành phố giảm mạnh, đến 9,5% so với cuối năm 2012 và chỉ còn 3,73% trên tổng dư nợ (còn 1.939 tỷ đồng). Đây là con số khá ấn tượng so với nợ xấu của toàn ngành.
Ngoài ra, 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế cũng đã có những tín hiệu tích cực về khả năng kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn năm 2012, tăng trưởng kinh tế cao hơn cùng kỳ năm ngoái, hàng tồn kho tăng chậm lại, nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất tăng lên, số doanh nghiệp thành lập mới đã bắt đầu tăng trở lại, số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động đang giảm dần... cũng là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, trong cái mừng lại có cái lo, đó là tốc độ tăng trưởng tín dụng chưa cao, khi đã quá nửa năm mà hoạt động cho vay mới chỉ tăng 3,47%, còn vốn huy động tăng 4,22% so với cuối năm 2012...
Trên thực tế, việc nợ xấu giảm, tín dụng tăng trưởng là tín hiệu tốt lên của nền kinh tế. Tuy nhiên, khi đi sâu vào phân tích nợ xấu, sẽ có nhiều vấn đề đặt ra: Nợ xấu giảm do doanh nghiệp (DN) tự xoay xở để có tiền trả nợ, nợ xấu giảm do Nhà nước mua lại nợ của ngân hàng (NH), hay do NH tự xóa nợ cho DN? Đây mới chính là mấu chốt của vấn đề.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh thành phố, do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế trên địa bàn vẫn còn hạn chế nên dư nợ cho vay có tăng so với năm 2012, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn đạt thấp. Vì vậy, khả năng DN làm ăn tốt lên để có tiền trả nợ cho NH là ít. Còn việc Nhà nước mua lại nợ xấu của NH thì phương án này chưa được thực hiện. Như vậy, nợ xấu của NH giảm, liệu có phải là do chính NH tự xóa nợ cho khách hàng bằng cách tăng trích lập dự phòng rủi ro?
Nợ xấu giảm ai cũng mừng, nhất là các NH. Song, kết quả nào khiến nợ xấu giảm mới là điều cần phải bàn. Bởi, nếu giải quyết được tận gốc vấn đề của nợ xấu đến từ người đi vay, các DN thì đó mới thật sự là tin tốt lành cho nền kinh tế.
Lâu nay mối quan hệ biện chứng giữa nợ xấu và tăng trưởng tín dụng luôn song hành cùng nhau, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng nóng trong thời gian vài năm gần đây, đã khiến cho nợ xấu ở địa bàn Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung tăng cao. Tuy nhiên, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013 con số này giảm đến 9,5% so với cuối năm 2012, liệu đây có phải là tín hiệu khả quan? Nhìn vào con số này, thực ra chưa thể khẳng định điều gì, bởi lẽ điều quan trọng nhất hiện nay cần làm rõ chất lượng của nợ xấu như thế nào, cần phải phân tích nợ xấu từng nhóm là bao nhiêu, nợ mất vốn ra sao, và mức độ nguy hiểm đến đâu. Đó mới là vấn đề được nhiều người quan tâm hơn, chứ không phải giảm nhiều hay ít.
Và cũng chính vì lo sợ nợ xấu mà các NH đã siết chặt lại cho vay bằng cách nâng chuẩn cho vay lên cao, chọn lĩnh vực thật tốt mới cho vay trong khi số DN đủ tiêu chuẩn để vay lại không nhiều. Từ đó tạo nên rào cản lớn cho khả năng tiếp cận vốn của DN.
Do đó, điều quan trọng là làm sao để DN có thể tiếp cận được nguồn vốn. Đây mới là nút cởi tháo gỡ khó khăn cho tăng trưởng tín dụng và nền kinh tế. Bởi, làm tốt mục tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ bảo đảm được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra.
Vì vậy, hơn lúc nào hết, để nợ xấu cũ giảm, ngăn nợ xấu mới phát sinh, NH cần phải giải quyết triệt để việc khơi thông dòng vốn thì mới ngăn được nợ xấu gia tăng. Đồng thời NH cần đẩy mạnh các giải pháp giúp DN có thể tiếp cận được nguồn vốn dễ dàng, như cho vay tín chấp, hoặc thế chấp bằng dòng tiền bán hàng của chính DN nếu họ không có đủ tài sản thế chấp. Và có thể thấy được rằng, trong thời gian vừa qua, các NH trên địa bàn đã thật sự chủ động trong việc tìm kiếm khách hàng cho vay và kỳ vọng việc làm này sẽ lan tỏa trong thời gian tới, để DN có thể giảm bớt khó khăn về vấn đề vốn. Từ đó, khai thông nút nghẽn tín dụng, đồng thời đẩy mạnh kinh tế phát triển.
PHƯƠNG UYÊN