.

Nở nụ cười cùng nạn nhân da cam

Không biết ngẫu nhiên hay hữu ý mà việc sắp đặt các bức ảnh trong triển lãm “Da cam - Lương tri và Công lý” (khai mạc ngày 23-7 tại Bảo tàng Đà Nẵng) lại có sự đan xen giữa hình ảnh bất hạnh của các nạn nhân chiến tranh và nụ cười ấm áp từ cộng đồng.

Khác với nỗi bi ai, khổ não về nạn nhân chất độc da cam thường thấy trước đây, tại triển lãm này, chỉ riêng số lượng các bức ảnh cho thấy sự chung tay đóng góp của tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và quá trình phát triển của “ngôi nhà” Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng đã gần như áp đảo. Quá khứ đau thương chưa nguôi, nhưng giờ là lúc chúng ta thôi than khóc mà hãy cùng nhau hành động vì tương lai tốt đẹp hơn cho các nạn nhân chiến tranh là cảm nhận rõ nét qua triển lãm lần này.

Mỗi lần đứng trước một tấm ảnh về nạn nhân chất độc da cam chiến tranh, nhất là những hình ảnh đau thương của những đứa trẻ vô tội, rất nhiều người đã lặng lẽ lau nước mắt vì dường như đang có nỗi đau nghèn nghẹn trong tim mình. Nhưng sau khi xem các bức ảnh lần này, người tham dự có lẽ không chỉ đồng cảm, mà còn dấy lên trong lòng động lực muốn hành động thiết thực cho nạn nhân chiến tranh ở quanh mình.

Nếu coi triển lãm là việc tái hiện cuộc sống của nạn nhân da cam Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng, thì trong cuộc sống ấy đang có sự đồng hành rất lớn từ bạn bè quốc tế. Ở bất kỳ khu vực trưng bày nào, người xem cũng dễ dàng bắt gặp nụ cười, cái ôm xiết, đôi mắt lưu luyến thân thương của các tình nguyện viên, cựu chiến binh, chính khách, đại diện các tôn giáo, v.v… đến từ khắp nơi trên thế giới. Họ không chỉ tới thăm mà còn làm nhiều điều có ích góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe cho nạn nhân da cam. Đặc biệt, dù bất đồng ngôn ngữ, nhưng từ trong hành động của họ luôn “nói” lên rằng các nạn nhân, nhất là trẻ em, hãy cho họ cơ hội được đến gần hơn và đồng hành trên chặng đường phía trước.

Những người bị di chứng từ chất độc hóa học trong chiến tranh là nạn nhân của thời cuộc, nhưng cũng chính họ trong thời cuộc này lại trở thành nhịp cầu nối cho tình thân ái không biên giới và là đại sứ cho hòa bình.

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.