Có nhiều đối tượng được ưu đãi trong đấu thầu được quy định cụ thể trong Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhưng chúng tôi đặc biệt chú ý đến 2 đối tượng. Đó là, những nhà thầu trong nước có trên 30% số lượng lao động là nữ, lao động là thương binh, người tàn tật, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV; nhà thầu trong nước là doanh nghiệp (DN) nhỏ.
Cụ thể, nhà thầu được diện ưu đãi được cộng thêm một số điểm cụ thể vào số điểm kỹ thuật của nhà thầu đó hoặc được cộng thêm một số điểm cụ thể vào điểm tổng hợp của nhà thầu, tùy theo phương pháp xét thầu.
Việc đưa ra các đối tượng ưu đãi cụ thể là luật hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội đối với các đối tượng chính sách. Những chế định này làm cho luật này đậm chất nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng DN, đặc biệt là DN nhỏ.
Ở nước ta, trong cộng đồng DN thì số DN nhỏ chiếm số lượng áp đảo. Quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, vốn liếng hạn chế nên DN nhỏ thường thua thiệt trong thị trường mang tính cạnh tranh cao. Trong đấu thầu giành quyền cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, DN nhỏ thường bị cho “ra rìa”. Những nhà thầu lớn, khả năng tài chính dồi dào và nhiều mánh lới, luôn là kẻ thắng cuộc. Điều nghiệt ngã là, sau khi trúng thầu, thường những nhà thầu lớn không tự triển khai thực hiện gói thầu mà “san sẻ” lại cho các DN nhỏ kiếm chênh lệch. Các DN nhỏ chịu mọi chi phí triển khai gói thầu, vừa phải chịu trả phần “lãi” cho nhà thầu mà mình nhận lại. Vẫn biết hiệu quả thấp, nhưng các DN nhỏ phải làm vì cần tồn tại. Người lao động trong các DN nhỏ thường thu nhập thấp, không bảo đảm cuộc sống bản thân và gia đình.
Luật hóa chính sách hỗ trợ DN nhỏ, DN sử dụng nhiều lao động thuộc diện chính sách xã hội trong đấu thầu dự án, mua sắm công, được những người dự hội thảo, những người tham vấn đánh giá cao. Nhưng điều chúng tôi băn khoăn là liệu quy định này, sau khi được Quốc hội thông qua, sẽ được triển khai suôn sẻ? Thực tế cho thấy, mặc dù Luật Đấu thầu đã có (từ năm 2005), nhưng trong những năm luật này có hiệu lực, việc mua sắm, đầu tư công… vẫn không thực hiện theo nguyên tắc đấu thầu mà phần nhiều là chỉ định thầu. Phương pháp này khiến các DN nhỏ phải đứng xa chính sách ưu đãi mà Nhà nước dành cho họ.
Thêm nữa, tại Hội thảo hoàn thiện Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được tổ chức tại Đà Nẵng ngày 29-7 vừa rồi, có ý kiến rất xác đáng khi nói rằng, quy định của pháp luật là rõ ràng nhưng trên thực tế, khá phổ biến là tình trạng không thực thi theo quy định của pháp luật, thậm chí làm sai lệch pháp luật.
Việc triển khai gói kích cầu những năm trước đây, do chỉ định thầu một cách ồ ạt, nên khiến nền kinh tế càng ngày càng rơi vào khó khăn, hàng ngàn DN trong cả nước, chủ yếu là DN vừa và nhỏ, rơi vào tình trạng phá sản là ví dụ cụ thể.
Mong rằng chính sách ưu đãi trong đấu thầu đối với các DN nhỏ, DN sử dụng nhiều lao động thuộc diện chính sách XH, không rơi vào tình trạng này, mà bám rễ chặt vào cuộc sống.
TƯỜNG VY