.

Tín hiệu lạc quan

Bức tranh kinh tế của Đà Nẵng mặc dù tiếp tục đối mặt những bất lợi, khó khăn và thách thức nhưng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2013 tại kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố khóa VIII đã hé mở những tín hiệu lạc quan về sự phục hồi phát triển kinh tế thay cho một số dự báo và nhận định sẽ tiếp tục suy giảm do ảnh hưởng chung của kinh tế trong nước và thế giới. Điều này được một số đại biểu phân tích đánh giá rất cụ thể bên lề kỳ họp.

Trước hết, mặc dù chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ được thắt chặt nhưng tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp tại Đà Nẵng dần ổn định hơn khi khó khăn về lãi suất vay ngắn hạn, đơn hàng của một số doanh nghiệp được cải thiện và được hà hơi tiếp sức bởi những hỗ trợ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế đất theo Nghị quyết 13 của Chính phủ. Trong bối cảnh đó, các dự án quy mô lớn đã và đang triển khai trên địa bàn thành phố tiếp tục được đầu tư, mở rộng sản xuất đã phát huy công suất hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong đó, nổi bật nhất là dự án nhà máy sữa Vinamilk Đà Nẵng nâng công suất lên 22 triệu sản phẩm/tháng, dự án nâng công suất sản xuất bia lên 150 triệu lít/năm của Công ty BVL Đà Nẵng, nhà máy Thép Dana - Ý nâng sản lượng 300.000 tấn/năm, nhà máy thép Việt Mỹ nâng sản lượng 250.000 tấn/năm… Bên cạnh đó, một số ngành tăng trưởng khá như: da giày, may mặc, sản xuất thiết bị điện, ô-tô đã góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) đạt gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2012. Sự ổn định trong sản xuất và giải pháp tìm kiếm đầu ra thị trường khá hiệu quả đã đưa giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 16.700 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2012. Chính sản xuất tăng đã góp phần quan trọng để tăng nguồn thu ngân sách theo hướng ổn định lâu dài và bền vững hơn thay vì phụ thuộc khá nhiều vào tiền thuế sử dụng đất như những năm trước.

Trong khi đó, giá trị sản xuất thủy sản-nông-lâm ước đạt gần 1.400 tỷ đồng, đạt gần 66% kế hoạch cả năm cho thấy sự phát triển ổn định của lĩnh vực khá quan trọng này của thành phố. Riêng đối với thủy sản, những vụ mùa đánh bắt bội thu, ngư dân Đà Nẵng liên tiếp trúng đậm hải sản đã nâng tổng sản lượng khai thác 6 tháng ước đạt 22.400 tấn, đạt 65% kế hoạch năm, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Có thể nói, hoạt động đánh bắt thủy sản với nhiều đội tàu khai thác xa bờ trên địa bàn các quận Thanh Khê, Sơn Trà đã cho thấy sự quan tâm, đầu tư rất đúng hướng theo phương châm “mạnh vì biển, làm giàu từ biển” đang được phát động trên cả nước. Để tạo kết quả trên, thành phố đã hỗ trợ 1,4 tỷ đồng cho ngư dân đóng mới 4 chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Đến nay, Đà Nẵng có 1.374 tàu thuyền, trong đó, tàu có 90 CV trở lên có 211 chiếc, tàu có 400 CV trở lên có 43 chiếc.

Tuy nhiên, lĩnh vực kinh tế phát triển ổn định và đánh giá đạt hiệu quả nhất 6 tháng qua lại chính là hoạt động du lịch với 1,54 triệu lượt khách đến Đà Nẵng chỉ trong 6 tháng. Tổng thu nhập từ ngành công nghiệp không khói này gần 3.610 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2012. Ngoài khách du lịch truyền thống, chính việc liên tiếp xúc tiến mở các đường bay thẳng giữa Đà Nẵng với các thành phố của nước ngoài đã góp phần quảng bá hình ảnh, đưa du khách đến với Đà Nẵng tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần tăng doanh thu du lịch. Đến tháng 6-2013, có 18 đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng. Cho đến nay, thành phố thu hút 61 dự án đầu tư về du lịch với tổng vốn 5,2 tỷ USD. Riêng trong 6 tháng, có 29 khách sạn đưa vào hoạt động với gần 900 phòng, nâng tổng số khách sạn toàn thành phố lên 355 với gần 12.000 phòng.

Đó là những điểm sáng cần được đánh giá và nhìn nhận kịp thời, đúng mức, tuy nhiên vấn đề là làm thế nào để duy trì và đạt tăng trưởng cao hơn trong 6 tháng cuối năm 2013 đối với những ngành, lĩnh vực mà thành phố đã và đang có thế mạnh là điều cần được thảo luận sớm nhằm đưa ra những quyết sách kịp thời, đúng hướng, đạt hiệu quả. Trong lúc này, làm thế nào để doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn vay ngân hàng nhằm khôi phục, mở rộng sản xuất, tìm kiếm đối tác, thị trường mới là điều bức bách nhất. Đối với ngành du lịch, chiến lược cần tính đến là làm thế nào để giữ chân du khách lâu dài chứ đừng để du khách đến một lần rồi không quay lại nữa. Để không xảy ra điều đó, điều trước tiên vẫn là chấn chỉnh những lộn xộn, nhếch nhác, thiếu chuyên nghiệp như tình trạng chèo kéo du khách, xin ăn biến tướng, ô nhiễm bãi biển. Song song đó là nhanh chóng nâng chất lượng phục vụ du khách, nâng cao trình độ ngoại ngữ của hướng dẫn viên, đào tạo bổ sung nhân lực có trình độ kịp thời…

DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.