.

Trách nhiệm của ai?

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm cả nước  xảy ra gần 15 nghìn vụ tai nạn giao thông, trong đó có gần 5 nghìn người chết, tăng trên 5% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy tai nạn giao thông đang xảy ra ở mức độ nghiêm trọng hơn, trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội.

Những câu chuyện bên lề của cánh tài xế xe khách và thậm chí là xe chở gia súc, gia cầm  mà dư luận phản ánh  gần đây vẫn nóng  chuyện “phải không” đối với các lực lượng chức năng kiểm tra trên các  tuyến đường bộ cả nước. Số tiền chi mỗi lần không nhiều nhưng lên cấp số cộng vì phải qua nhiều trạm. Hay những câu chuyện “nhờ vả” khi kiểm tra, đăng kiểm phương tiện xe cơ giới vẫn còn quá quen thuộc đối với các chủ xe và cả các cơ quan đăng kiểm... thì tình trạng tại nạn giao thông đường bộ gia tăng sẽ vẫn diễn ra “như thường lệ”.

Nhiều ý kiến người dân cho rằng, trước khi bàn về ý thức, đạo đức của người lái xe trong việc chở quá khổ, quá tải, phóng nhanh, vượt ẩu, gây nên tai nạn thì nên chấn chỉnh thái độ làm việc của các lực lượng chức năng. Nếu không có những tiêu cực đối với các nhà xe và chủ phương tiện theo hình thức làm “luật”  trên đường và trong quá trình đăng kiểm thì sự cạnh tranh giữa các phương tiện sẽ diễn ra lành mạnh. Người lái xe chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ và các quy định khác trong kinh doanh, vẫn  mang lại lợi nhuận. Chính sự thiếu nghiêm minh đối với các sai phạm của các cán bộ, công chức, buông lỏng trong quản lý Nhà nước, khiến người làm chủ phương tiện giao thông coi thường luật pháp và  tìm mọi cách để “mua chuộc” sai phạm.

Khi tai nạn xảy ra, mức độ trách nhiệm của các bên liên quan cũng chưa được luật pháp xử lý nghiêm. Người dân Đà Nẵng vẫn còn chưa nguôi vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra vào đầu tháng 6 tại Khánh Hòa,  đối với các thầy cô giáo Trường tiểu học Hòa Phước. Thế nhưng mỗi người bị thiệt mạng, nhà xe chỉ chi trả 14 triệu đồng. Nếu mạng người chỉ được bảo hiểm có bấy nhiêu thì các dịch vụ kinh doanh vận tải vẫn “liều mạng” lách luật để mưu cầu lợi nhuận, bất chấp tính mạng của “quý khách”.

Tai nạn giao thông  hiện hữu như mối đe dọa thường trực đối với mỗi người dân Việt Nam khi tham gia giao thông. Năm này qua năm khác, Chính phủ luôn đề cập đến các “giải pháp cấp bách” nhưng vấn đề vẫn ngày càng nghiêm trọng. Sự phát triển hạ tầng giao thông cả nước không theo kịp sự gia tăng nhanh lượng phương tiện lưu thông trên đường. Tuyến đường Quốc lộ 1A được xem là huyết mạch giao thông Bắc Nam vẫn tồn tại  duy nhất 1 làn/chiều ở nhiều đoạn, gây nên tình trạng quá tải, đặc biệt các đoạn từ Hà Nam - Ninh Bình - Thanh Hóa - Hà Tĩnh;  Cần Thơ - Phụng Hiệp; Đồng Nai - Phan Thiết  và một số đoạn qua đô thị lớn, khiến tình hình tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A diễn ra ngày càng phức tạp. Việc tiến hành phân làn thời gian qua cũng xuất hiện nhiều bất cập. Ở các nước phát triển, việc phân làn được quy định theo tốc độ, nhưng chúng ta lại phân làn theo phương tiện. Làn dành cho xe đạp, xe máy trên nhiều tuyến đường lại kiêm bãi đậu xe, khiến cho tình trạng xe máy đi sang làn đường của ô-tô xảy ra thường xuyên. Việc theo dõi, quản lý tốc độ trên tuyến Quốc lộ 1A còn bỏ ngỏ, cũng là một trong nhưng nguyên nhân quan trọng khiến tai nạn giao thông xảy ra thảm khốc do vượt quá tốc độ quy định.

Hậu quả mà tai nạn giao thông gây ra cho bao số phận vẫn đang hiện hữu làm đắng lòng mỗi người chúng ta khi bắt gặp. Những nỗi đau ấy sẽ dần giảm bớt khi mỗi người tham gia giao thông, mỗi cán bộ, công chức các ngành liên quan và cả những người kinh doanh vận tải, cùng có trách nhiệm quý trọng tính mạng con người trong điều kiện hạ tầng giao thông và ứng dụng khoa học công nghệ  đất nước ta còn hạn chế.

THU PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.