.

Ý thức và nguy cơ bùng phát dịch bệnh

Tính đến ngày 15-7-2013, toàn thành phố ghi nhận 782 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, 1.497 ca mắc bệnh tay-chân-miệng. Gần đây nhất, ghi nhận 79 ca mắc bệnh tay-chân-miệng chỉ trong một tuần, đa số rơi vào trẻ em dưới 5 tuổi. Số liệu trên cho thấy tính chất phức tạp của dịch bệnh phát sinh trên địa bàn thành phố trong thời điểm hiện nay khiến người dân rất lo lắng và bức xúc. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với ngành y tế trong công tác phòng ngừa, vì các bệnh sốt xuất huyết, tay-chân-miệng nhiều năm trước ít khi xuất hiện và lây lan rộng, nhưng trong 3 năm trở lại đây có những diễn biến khó lường, phức tạp hơn ngay từ đầu năm và kéo dài cả năm.

Khó khăn nhất trong thời điểm này là do chưa có vaccine phòng bệnh và không có thuốc điều trị đặc hiệu nên hàng trăm trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết và tay-chân-miệng dạng nặng phải theo dõi điều trị tích cực bằng máy hỗ trợ hô hấp, nguy cơ tử vong cao… cho thấy mức độ nguy hiểm đối với người mắc, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Riêng trong năm 2012, thành phố ghi nhận 2 trường hợp tử vong do mắc bệnh tay-chân-miệng, đó là những trường hợp bệnh nhi phát hiện bệnh quá muộn và bệnh lý diễn biến rất nhanh do độc lực của virus quá mạnh.

Điều đáng lo là mặc dù chủ động triển khai nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng dịch trong cộng đồng, trong đó cán bộ dịch tễ kịp thời tiếp cận xử lý nhanh các ổ dịch nhỏ bùng phát ở cơ sở, nhưng số trường hợp mắc bệnh vẫn không giảm so với những năm trước. Theo đánh giá và dự báo của Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh cả nước tuy đang được kiềm chế, nhưng nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới ở một số địa phương, trong đó có Đà Nẵng vẫn khá cao do đuôi dịch thường kéo dài từ nay đến cuối năm và qua đầu năm 2014. Riêng Đà Nẵng, với vị trí là đầu mối giao thông lớn và quan trọng của miền Trung, nguy cơ lây truyền, xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm rất cao. Do đó, đối với các địa phương có dịch lây lan nhanh, ngoài việc đẩy mạnh thực hiện các biện pháp dự báo, đánh giá tình hình và đưa ra các biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu năm theo quy định của Bộ Y tế thì việc tuyên truyền sâu, đi vào thực chất, thiết thực để mọi người dân luôn đề cao ý thức phòng bệnh trong gia đình và tại các khu dân cư vẫn là yếu tố quan trọng nhất để hạn chế dịch bệnh bùng phát.

Tuy vậy, theo điều tra dịch tễ trên địa bàn thành phố, tỷ lệ muỗi gây bệnh trong các khu dân cư và một số hộ dân, đặc biệt tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu vẫn còn cao. Nếu không cắt được nguồn lây bệnh này thì khả năng dịch bệnh lây lan trong thời gian đến là điều khó tránh khỏi. Riêng đối với bệnh tay-chân-miệng, việc giáo dục ý thức phòng bệnh trong các trường mầm non thời gian qua được ngành y tế phối hợp với ngành giáo dục đẩy mạnh. Tuy nhiên, vấn đề kiểm tra, giám sát thường xuyên là việc nên làm nhằm hạn chế tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, làm hình thức, qua loa, không mang lại hiệu quả.

Nhưng đáng lo nhất, qua phân tích, đánh giá của cán bộ dịch tễ, một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh chưa giảm là do chính ý thức phòng bệnh của một bộ phận người dân chưa cao. Điều này thể hiện ở chỗ nhiều tổ dân phố dịch sốt xuất huyết xuất hiện lặp lại từ 2 - 3 lần. Thậm chí, cá biệt có những gia đình tỏ ra thờ ơ, đứng ngoài cuộc khi cán bộ dịch tễ đến làm nhiệm vụ. Do vậy, để hạn chế dịch bệnh bùng phát thì việc vận động, tuyên truyền, giáo dục để người dân chủ động và tích cực hưởng ứng bằng những cách làm đơn giản nhưng hiệu quả như: vệ sinh cá nhân sạch sẽ, dọn dẹp xử lý muỗi gây bệnh quanh nhà, tham gia cùng người dân khu phố dọn dẹp khu dân cư xanh-sạch-đẹp vào chủ nhật cuối tuần… lnên được đề cao. Đừng để khi dịch bệnh bùng phát mạnh, lây lan nhanh, tử vong nhiều mới đổ dồn vào công tác tuyên truyền, vận động.

DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.