.

Ấn tượng Hoành Tân

.

 ​1. Theo cách nghĩ của không ít người, sự phô diễn hoành tráng mới có thể tạo được ấn tượng trong buổi đầu gặp gỡ, nhất là trong các cuộc gặp mang tính ngoại giao quốc tế. Chẳng hạn, cần có nhiều hoa tươi để trao tay tặng khách và chủ yếu để trang trí trên các bàn làm việc, trên bục thuyết trình - có khi còn có thêm một số khẩu hiệu chào mừng nhiệt liệt…

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến tặng quà lưu niệm cho Thị trưởng thành phố Yokohama Fumiko Hayashi.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến tặng quà lưu niệm cho Thị trưởng thành phố Yokohama Fumiko Hayashi.

Vậy mà buổi làm việc sáng ngày 6-8 tại Tòa Thị chính Yokohama giữa bà Fumiko Hayashi, Thị trưởng thành phố Yokohama - thời cụ Tiểu La và cụ Phan Bội Châu khởi xướng phong trào Đông Du đầu thế kỷ XX, người Việt mình quen gọi theo âm Hán Việt là thành phố Hoành Tân -  với đoàn đại biểu cấp cao của thành phố Đà Nẵng vừa mới kết nghĩa do Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến làm trưởng đoàn lại không hề có bất kỳ yếu tố nào nhằm tạo nên sự hoành tráng ấy.

2. Có điều không hoành tráng mà vẫn rất… Hoành Tân, vẫn thể hiện rõ sự trọng thị và lòng hiếu khách của người Yokohama đối với đoàn đại biểu của thành phố bên bờ sông Hàn. Có thể nói đây là sự giản dị đầy ấn tượng mà bà Thị trưởng Thành phố Yokohama và các cộng sự đã dành cho Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cùng tất cả thành viên của đoàn - sự giản dị mà người ta chỉ có thể đạt được một khi đã rất chuyên nghiệp trong ngoại giao và trong công vụ. Chương trình nghị sự gọn mà đủ, chỉ có bốn nội dung chính: bài diễn văn ngắn mà súc tích của bà Thị trưởng, phát biểu đáp từ cũng rất kiệm lời mà giàu ý của ông Chủ tịch UBND, trao quà lưu niệm - sản phẩm thủ công mỹ nghệ của mỗi địa phương - giữa người đứng đầu hai thành phố kết nghĩa và cuối cùng là mọi người cùng chụp ảnh trước một bức phù điêu rất Yokohama - thành phố cảng biển.   

3. Văn phòng Tòa Thị chính Yokohama cử người đến đón đoàn tại khách sạn Intercontinental Yokohama và tháp tùng Chủ tịch Văn Hữu Chiến đến nơi làm việc rất đúng giờ, không trễ đã đành - vì đó là điều tối kỵ trong ngoại giao - mà cũng không sớm. Thật ra, những động thái như vậy quá kinh điển trong lễ tân ngoại giao, chỉ không muốn làm đúng chứ không thể làm khác. Đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp của văn phòng tòa thị chính bất kỳ thành phố nào cũng đều có khả năng chu đáo như thế. Điều bất ngờ và gây ấn tượng nhất đối với đoàn Đà Nẵng là khi được mời đến địa điểm làm việc ở trên lầu, vừa tới chân cầu thang đã nghe tiếng vỗ tay đồng thanh nhịp nhàng và kéo dài rất lâu của nam nữ nhân viên Văn phòng Tòa Thị chính Yokohama đang đứng dọc theo cầu thang đón khách.

Đoàn
Đoàn đại biểu cấp cao của thành phố Đà Nẵng do Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến làm trưởng đoàn chụp ảnh lưu niệm cùng bà Fumiko Hayashi, Thị trưởng thành phố Yokohama và các nhân viên của Tòa Thị chính Yokohama

4. Trong khoảnh khắc đó, tôi chợt nhớ lại ấn tượng tương tự 15 năm trước đây khi tôi tham gia đoàn cán bộ cao cấp của Ban Tổ chức Trung ương Đảng sang làm việc tại Trung Quốc và có hôm được bố trí nghỉ đêm tại khách sạn Hồng Kiều thành phố Thượng Hải. Lúc xe chở đoàn chúng tôi vừa dừng trước sảnh khách sạn, đã thấy ba cán bộ quản lý khách sạn ra tận cửa xe đón và tặng hoa cho Trưởng đoàn, sau đó đưa cả đoàn vào phòng lễ tân. Vừa đến cửa phòng, mọi người trong đoàn đều bất ngờ và rất ấn tượng khi thấy nhân viên khách sạn đứng thành hàng dài bên nam bên nữ vỗ tay không dứt để chào mừng đoàn. Cho đến giờ tôi vẫn rất phục người Thượng Hải song chỉ nghĩ đấy là chiêu tiếp thị khôn ngoan của những người làm du lịch giỏi, chứ chưa nhận ra cái tình, cái thực lòng trong tiếng vỗ tay. Cảm giác của tôi - và chắc không chỉ của riêng tôi - sáng hôm nay có khác một chút: đã kịp nhận ra cái tình, cái thực lòng trong tiếng vỗ tay giòn giã của các nhân viên Văn phòng Tòa Thị chính Yokohama lần đầu mới gặp.

5. Buổi trưa ăn cơm, tôi có trao đổi với một số anh em trong đoàn Đà Nẵng rằng, các khách sạn ở thành phố mình hoàn toàn có thể học tập phong cách đón khách của khách sạn Hồng Kiều bên Thượng Hải và các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Đà Nẵng cũng hoàn toàn có thể học tập phong cách đón khách của Văn phòng Tòa Thị chính Yokohama. Bài học này dễ thuộc, dễ làm theo và dễ chung tay nâng tầm ý tưởng thành các sáng kiến mới của riêng người Đà Nẵng, vì đâu có cần vốn đầu tư, đâu có cần phải chờ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chỉ cần có đủ quyết tâm vượt qua những quán tính, những kiểu tư duy quen thuộc song đã lỗi thời - tất nhiên trước hết phải có cái tình, cái thực lòng trong tiếng vỗ tay, bởi con đường từ trái tim đến trái tim mới là con đường ngắn nhất để con người gần nhau.

6. Trong bữa cơm tối ngày 5-8, đoàn Đà Nẵng nghe một số doanh nhân Yokohama tập trung thuyết trình về bản đề cương nghiên cứu khả thi liên quan đến Dự án xây dựng Nhà máy cấp nước Hòa Liên trên sông Cu Đê. Và qua bài diễn văn ngắn mà súc tích của mình, bà Thị trưởng Yokohama hôm nay lại tiếp tục gây ấn tượng khi cố tình chỉ nhắc đến, chỉ nhấn mạnh về dự án này, khẳng định các doanh nhân Yokohama chủ công trong dự án đã có kinh nghiệm 125 năm ròng rã trên lĩnh vực khai thác nguồn tài nguyên nước. Tôi chăm chú lắng nghe bài diễn văn rất kiệm lời mà giàu ý của bà Thị trưởng và không hề nghe bà đề cập về cụm từ thời thượng ở nước ta hiện nay, “chính quyền đồng hành với doanh nghiệp”, song với sự lựa chọn điểm nhấn để cổ súy và bảo lãnh tinh thần cho bản đề cương nghiên cứu về Dự án xây dựng Nhà máy cấp nước Hòa Liên của các doanh nhân Yokohama, rõ ràng chính quyền Yokohama và bản thân bà Thị trưởng đang đi cùng với giới doanh nhân của thành phố mình.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.