.

Bao giờ di dời ga Đà Nẵng?

Sau hơn 100 năm thành lập, năm 2003, ga Đà Nẵng được đưa vào trong Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, với việc yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và Đà Nẵng sớm di dời ga đường sắt đến vị trí mới.

Đến năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố đến năm 2020 cũng xác định “xây dựng ga đường sắt mới nhằm chuyển hệ thống đường sắt ra ngoài trung tâm thành phố” nhằm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hoàn chỉnh, bảo đảm nhu cầu phát triển kinh tế của thành phố và khu vực, là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội của vùng kinh tế trọng điểm.

Như vậy, có thể thấy rõ quyết tâm chính trị rất cao, đồng thời cũng rất cụ thể của Đảng, Chính phủ trong việc giải quyết vướng mắc về địa điểm ga Đà Nẵng qua 100 năm tồn tại và phát triển, gắn bó cùng lịch sử của thành phố. Qua quá trình đồng hành đó, cũng thấy rõ tồn tại chưa được giải quyết, đáp ứng cho quá trình phát triển của thành phố cũng như của chính ga Đà Nẵng.

Là đầu mối giao thông quan trọng về đường sắt trên tuyến Bắc-Nam, ga Đà Nẵng đang gặp khó khăn trong việc cơi nới “chiếc áo chật” của mình về mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật… để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, khi nhà ga phải thực hiện cả 3 chức năng ga hành khách, ga hàng và tác nghiệp kỹ thuật. Hiện nay, theo thống kê, ga Đà Nẵng đón nhận hơn 10 chuyến tàu xuyên Việt và các chuyến tàu đến địa phương trong vùng miền Trung; thời gian cao điểm như lễ, tết đón hàng nghìn lượt khách mỗi ngày. Trong khi đó, mặc dù đã đầu tư nâng cấp, nhưng nhà chờ của ga chỉ có sức chứa khoảng 200 chỗ ngồi; hạ tầng khu vực bán vé vẫn chưa đáp ứng yêu cầu…

Còn đối với thành phố Đà Nẵng, việc không kịp thời di dời ga Đà Nẵng về địa điểm mới theo chủ trương của Bộ Chính trị cũng như quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ hơn 10 năm trước thì đúng là… khó khăn lớn! Bởi không chỉ phá vỡ quy hoạch của thành phố, mà hậu quả nhãn tiền là việc ùn tắc giao thông cục bộ, kể cả tai nạn giao thông khi hàng chục chuyến tàu vào ra nội thành hằng ngày; đến nỗi trong 10 “điểm đen” của giao thông thành phố thì có đến 2 điểm giao với đường sắt là khu vực ngã ba Huế và ngã tư đường Trần Cao Vân. Đây cũng là khu vực có lưu lượng người tham gia giao thông rất lớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, giao thông đô thị và hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp. Đó là chưa kể việc các chuyến tàu vào ra mỗi ngày gây ô nhiễm môi trường về tiếng ồn, chất thải… đối với hàng ngàn hộ dân sống dọc theo tuyến đường sắt vào nội thành.
Trong khi đó, theo quy hoạch, thành phố Đà Nẵng đã sớm thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ khi từ năm 2004 đã dành 250ha đất ở khu vực phường Hòa Khánh Nam và phường Hòa Minh của quận Liên Chiểu để xây dựng nhà ga mới, di dời tuyến đường sắt ra khỏi nội thành đông đúc. Đồng thời, địa điểm này thể hiện ưu thế vượt trội khi kết nối với tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, trục Tây Bắc, Bến xe trung tâm… và trong tương lai là đường sắt hai chiều Đà Nẵng-Quảng Ngãi, để từ đó khai thác tối đa hạ tầng giao thông, tạo điều kiện mở rộng và nâng cấp nhà ga hiện đại, bảo đảm phục vụ hành khách tốt hơn, tăng khả năng cạnh tranh của hệ thống đường sắt Bắc-Nam.

Thế nhưng, việc chậm triển khai dự án quan trọng theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị, cùng với thông tin thiếu vốn đầu tư để di dời ga đường sắt mới, không chỉ làm buồn lòng hàng trăm hộ dân đang sống trong vùng quy hoạch “treo” của dự án ga đường sắt mới, mà quan trọng là không tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy xây dựng và phát triển Đà Nẵng theo đúng định hướng quy hoạch; chậm tháo gỡ những khó khăn cho thành phố về phát triển, kết nối giao thông trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước.

Vì vậy, chính quyền và người dân thành phố Đà Nẵng đang trông chờ vào một quyết định sáng suốt, hợp lý trong việc sớm thực hiện dự án di dời ga đường sắt đến địa điểm mới, bảo đảm quy hoạch của thành phố và bảo vệ tính mạng cho mỗi người dân cùng sự phát triển của ngành đường sắt Việt Nam.

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.