.

Chủ động đón nhà đầu tư chiến lược

Năm 2013, quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản được nâng lên tầm cao mới, thể hiện qua việc Thủ tướng Shinzo Abe chọn Việt Nam làm điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài ngay sau khi nhậm chức.

Sự kiện có ý nghĩa quan trọng này diễn ra đúng vào thời điểm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, mở đường cho hàng loạt hoạt động xúc tiến đầu tư của Việt Nam từ Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Trong bối cảnh cả thế giới tìm kiếm đối tác từ Nhật Bản để cùng nhau khôi phục nền kinh tế  đang trong giai đoạn khủng hoảng, những ngày này, đoàn công tác thành phố Đà Nẵng do Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến dẫn đầu đã có sự chuẩn bị chu đáo để tiếp cận cả 2 thị trường đầu tư chiến lược Nhật Bản  và Hàn Quốc.

Để có được chuyến đi mời gọi đầu tư hiệu quả và không theo kiểu “phong trào” cùng xúc tiến đầu tư vào Nhật Bản, câu chuyện chuẩn bị của Đà Nẵng thể hiện ở tầm chiến lược cách đây gần 10 năm với sự ra đời của Văn phòng đại diện (VPĐD) thành phố Đà Nẵng tại Tokyo. Cho đến  nay, Đà Nẵng vẫn là địa phương duy nhất của cả nước có VPĐD tại Nhật Bản và hội tụ các điều kiện cần để đón các nhà đầu tư từ xứ sở Hoa anh đào. Những năm qua, Đà Nẵng nhanh chóng  hình thành các cơ sở đào tạo Nhật ngữ để có đủ đội ngũ thông dịch viên tiếng Nhật đáp ứng nhu cầu tại chỗ của nhà đầu tư. Đà Nẵng còn là điểm dừng chân đáng chú ý của nhà đầu tư Nhật Bản vì chính sự thành công của 90 doanh nghiệp và văn phòng đại diện Nhật Bản đang hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu USD. Lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư của Đà Nẵng  trong khu vực miền Trung hiện nay, là một cơ chế đặc biệt  từ Trung ương để hình thành khu công nghệ cao, sẵn sàng chờ đón các dự án nghiên cứu và phát triển, công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ từ các nước công nghiệp phát triển. Hiện đã có 2 doanh nghiệp đầu tiên của Nhật Bản là Tập đoàn Tokyo Keiki và Công ty Niwachuzo đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng với tổng vốn 62 triệu USD.  Nhưng trên hết, Đà Nẵng có một lợi thế đặc biệt về quan hệ hợp tác  ngày càng đi vào chiều sâu với 5 thành phố của Nhật Bản là Kawasaki, Sakai, Mitsuke, Nagasaki, Yokohama và hiện đang xúc tiến mối quan hệ hợp tác với các thành phố Kobe, Yaidu, Fukuoka và Ohtawara. Chính quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng với các địa phương của Nhật Bản đã mang lại cơ hội gắn kết bền chặt và sự tin cậy giữa chính quyền và doanh nghiệp các bên.

Sau Nhật Bản, Hàn Quốc là nhà đầu tư có nhiều dự án thứ hai trong tổng số 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Đà Nẵng với 34 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 705 triệu USD. Khác với thị trường Nhật Bản có thế mạnh về công nghiệp, công nghệ cao, nhà đầu tư Hàn Quốc tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế như  bất động sản, sản xuất ô-tô, đóng tàu, khách sạn, nhà hàng, khu đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ bán lẻ... Sự có mặt và triển khai tích cực, nhanh, hiệu quả của các dự án của Hàn Quốc tại Đà Nẵng góp phần tạo diện mạo đô thị và làm sôi động, phong phú hoạt động thương mại của thành phố. Chính vì vậy, đoàn công tác thành phố Đà Nẵng cũng đã chọn điểm đến Hàn Quốc để giới thiệu những tiềm năng, lợi thế với chính quyền thành phố Seoul và các tập đoàn lớn như Lotte, Samsung, LG... để xúc tiến kêu gọi đầu tư vào Đà Nẵng.

Sau nhiều hội thảo liên kết vùng kêu gọi đầu tư, Đà Nẵng đã chọn cho mình hướng đi khác biệt và không có sự chồng lấn với các địa phương khác. Vì vậy, việc xúc tiến đầu tư của Đà Nẵng lần này còn có ý nghĩa tạo cơ hội phát triển cho cả khu vực duyên hải miền Trung. Sự chủ động xúc tiến đầu tư của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng qua chuyến công tác tại Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ góp phần  quảng bá hình ảnh một thành phố có môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp và kỳ vọng đón thêm nhiều nhà đầu tư từ hai thị trường chiến lược trọng điểm này.

THU PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.