.

Để hàng Việt thành niềm tự hào

Qua 3 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng đưa ra con số 85% người Đà Nẵng ưu tiên dùng hàng Việt. Đây quả là một con số ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng một chủ trương lớn của Bộ Chính trị.

Nhìn lại 3 năm sau ngày triển khai cuộc vận động tại Đà Nẵng, nhận thức của người dân đã có sự chuyển biến rõ nét và đáng mừng. Nhất là bên cạnh việc tuyên truyền, vận động của các cơ quan liên quan, việc nâng cao chất lượng hàng Việt… thì cơ quan quản lý Nhà nước đã cụ thể hóa cuộc vận động bằng các chính sách ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng được sản xuất trên địa bàn thành phố như xi-măng Hải Vân, thép Dana - Ý, gạch Cosevco…, để xây dựng các công trình lớn nhỏ của thành phố. Hiệu ứng này còn lan tỏa khi các doanh nghiệp Đà Nẵng tự nguyện cam kết tiêu dùng hàng hóa của nhau từ đôi dép, bình nước uống, áo quần, cà-vạt cho đến các dịch vụ vận tải, giáo dục, y tế… Ưu tiên sử dụng sản phẩm nội bộ là một trong những nhiệm vụ gắn kết mà các hiệp hội doanh nghiệp thành phố đề ra và đem lại hiệu quả không nhỏ từ vài năm trở lại đây. Chính điều này đã tạo dần thói quen sử dụng hàng Việt trong người Việt, mà con số 85% người Đà Nẵng sử dụng hàng Việt là minh chứng thuyết phục.

Cùng với những tín hiệu lạc quan về con số tiêu dùng hàng Việt, nhiều người dân vẫn nghi ngờ về hàng hóa có gắn mác nội địa. Bức màn bí mật về tình trạng hàng hóa Trung Quốc bị một số thương nhân trong nước phù phép thành hàng Việt để dễ bề tiêu thụ tràn ngập các chợ đã được vén lên một cách mạnh mẽ thời gian qua. Ngay như ở Đà Nẵng, người tiêu dùng chỉ cần bước ra các chợ lớn nhỏ là bắt gặp đầy rẫy những mặt hàng từng bị phát hiện nhiễm chất độc như áo ngực, quần Jeans, gia vị nấu lẩu hay táo, lê, nho, gừng, tỏi, cà chua, khoai tây… - là những sản phẩm ngoại nhập nhưng lại bị mập mờ về nguồn gốc xuất xứ, thậm chí là được gắn cho cái mác hàng Việt.

Thế nhưng, công tác kiểm tra, quản lý chất lượng hàng hóa vào nước ta mới chỉ dừng ở mức độ cảnh báo qua mỗi vụ việc bị lật tẩy. Hệ thống kiểm soát nghiêm ngặt từ ban đầu đối với sản phẩm nhập khẩu an toàn cho người dân chưa hiệu quả. Nhìn từ con số trên 3.600 vụ vi phạm bị xử lý mà lực lượng Quản lý thị trường Đà Nẵng đưa ra trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy, vẫn còn một lượng không nhỏ hàng giả, kém chất lượng len lỏi lưu thông trên thị trường núp dưới bóng hàng Việt làm ảnh hưởng uy tín của hàng hóa trong nước.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, để người dân trong nước sử dụng hàng Việt Nam thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là các doanh nghiệp (DN) trong nước phải làm cho chính cộng đồng người Việt tin tưởng hàng Việt; tôn trọng, đề cao vai trò của người tiêu dùng, đặt lợi ích của người tiêu dùng ngang lợi ích của DN. Về phía các cơ quan Nhà nước phải có sự tăng cường sự định hướng và hỗ trợ nhiều hơn đối với các hiệp hội, các DN, nhà sản xuất và phân phối hàng Việt. Đặc biệt, phải quyết liệt trong công tác kiểm soát các hành vi gian lận thương mại để hàng Việt không chỉ phục vụ cho đông đảo người dân trong nước mà còn giúp quảng bá hàng Việt trong giới kiều bào và người nước ngoài ở khắp các quốc gia trên thế giới.

Có như vậy, kỳ vọng không chỉ dừng lại ở con số 85% người Đà Nẵng ưu tiên dùng hàng Việt, mà hàng Việt Nam đạt chất lượng ngày càng đi sâu vào ý thức người tiêu dùng, việc sử dụng hàng Việt ngày càng trở thành thói quen và niềm tự hào của người Việt!

DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.