.

Để ra đường không còn sợ hãi...

Vụ tai nạn giao thông (TNGT) giữa ô-tô chở bê-tông và xe máy tại ngã ba Huế ngày 25-8 khiến người mẹ 33 tuổi và con gái đầu 11 tuổi chết tại chỗ, đứa con gái mới 9 tháng tuổi còn lại phải vào bệnh viện cấp cứu khiến nhiều người bàng hoàng. Ước mơ ngay từ đầu năm học mới của bé gái 11 tuổi, học giỏi sau này làm Công an… đã không trở thành hiện thực. Vụ tai nạn thương tâm một lần nữa là tiếng chuông báo động gióng lên về hiểm họa mang tên TNGT. Nhiều người phải thốt lên ra đường là gặp TNGT (!).

Thống kê của CSGT thành phố Đà Nẵng trong số 153 vụ TNGT làm 84 người chết, 122 người bị thương trong vòng 6 tháng đầu năm, riêng ô-tô các loại đã gây ra 34 vụ làm chết 33 người và bị thương 23 người. Đằng sau những con số khô khan và lạnh lùng kia là cả một tai họa ập xuống những mảnh đời bất hạnh. Chỉ trong phút chốc gia đình tan nát, người vĩnh viễn ra đi, người còn sống thì bị tàn tật, tổn thất về tinh thần không gì bù đắp nổi, và đây cũng là gánh nặng cho xã hội.

Vậy chúng ta đã làm gì để ngăn chặn nỗi đau này? Có thể nói là nhiều, rất nhiều và duy trì liên tục. Thế nhưng TNGT vẫn như một thách thức, vẫn cứ xuất hiện, thậm chí có thời điểm là “năm sau cao hơn năm trước”. Vậy nguyên nhân từ đâu? Theo các cơ quan chức năng, ngoài các yếu tố mang tính khách quan như hạ tầng giao thông lẫn phương tiện tham gia giao thông không bảo đảm, yếu tố mang tính chủ quan  đã được nhận diện rất rõ đó là “Ý thức tham gia giao thông còn kém”. Tuy nhiên, đằng sau việc “ý thức giao thông kém” còn rất nhiều vấn đề cần bóc tách để làm rõ.

Thứ nhất, ngay từ khâu giáo dục ý thức cho học sinh còn quá nhiều bất cập. Nhiều năm rồi vẫn là những bản cam kết không vi phạm giao thông được thực hiện ở đầu mỗi năm học, trong khi những chương trình tuyên tuyền vẫn đi vào lối mòn với kiểu “nói chuyện dưới cờ” vào mỗi đầu tuần. Cứ vậy lặp đi lặp lại khiến học sinh... không còn quan tâm nữa. Đặc biệt, công tác đào tạo lái xe đang có nhiều lổ hổng “chết người”. Đó là tình trạng chương trình nặng về đối phó với việc thi để làm sao vượt qua kỳ thi hơn là những kỹ năng cần thiết xử lý tình huống thường gặp trên đường. Một thực tế mà gần như khắp các lớp đào tạo lái xe đều dính phải chính là tình trạng cả thầy và trò nhậu nhẹt thường xuyên trong suốt khóa học. Ngay từ khi ngồi trung tâm đào tạo để trở thành một tài xế đã như vậy, thì một câu hỏi đặt ra là khi ra trường cầm vô-lăng sẽ như thế nào?

Ý thức người điều khiển phương tiện kém, cộng thêm việc kiểm tra xử lý của lực lượng chức năng còn nhiều bất cập cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho TNGT dễ xảy ra. Một ví dụ gần đây khi thành phố Đà Nẵng triển khai việc cân xe để xác định xe quá tải hay không. Thay vì khi có thông tin này thì các chủ phương tiện thực hiện giảm tải để bảo đảm an toàn giao thông, thì đằng này vẫn ‘bổn cũ soạn lại” là tìm cách né lực lượng chức năng. Thậm chí là chuyển từ chạy ban ngày sang ban đêm chứ không chịu hạ tải. Trong khi đó, lực lượng chức năng thì cứ rơi vào tình trạng “đón hụt” các xe ben chở quá tải, để rồi những trường hợp bị xử phạt lại không hoàn toàn phản ánh đúng thực tế.

Để không còn xảy ra những cái chết thương tâm không có cách gì khác là phải giải quyết tận gốc những tồn tại đã được nhận diện lâu nay. Đó là đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục tuyên truyền, để làm sao tất cả mọi người đều ý thức và chấp hành nghiêm túc, chứ không phải là đối phó. Đặc biệt, công tác đào tạo phải nâng cao chất lượng, chú trọng thực hành thực tiễn, nhất là phải kiên quyết “nói không” với tệ nạn nhậu trong quá trình đào tạo. Về phía cơ quan chức năng, trước hết phải làm hết chức năng của mình, xử lý mạnh tay với những trường hợp vi phạm, tuyệt đối không có chuyện né tránh trong xử lý. Có như vậy mới hy vọng giảm được TNGT, để giảm nỗi đau cho toàn xã hội.

THANH SƠN

;
.
.
.
.
.