.

Không kiện nhân tài

Câu chuyện “Đà Nẵng kiện nhân tài” (kiện 3 học viên Đề án 922 không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng) đang gây xôn xao dư luận. Có ý kiến đồng tình rằng cần phải kiện, có ý kiến ngược lại. Nhưng những ai hiểu một cách thấu đáo, hiểu tính bài bản, nghiêm túc của Đề án 922 thì sẽ thấy cái tâm của những người lãnh đạo, quản lý trong việc đầu tư về chiều sâu cho nguồn nhân lực chất lượng cao, mà đầu tư cho con người thì luôn là sự đầu tư mang tính bền vững.

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Bùi Văn Tiếng đã cho rằng: “Làm sao cho người ra đi cảm nhận được chính quyền thành phố không quá sòng phẳng chi li từng đồng, từng hào trong chế tài tài chính, rất day dứt về việc chưa đủ sức thuyết phục để giữ chân họ và sẵn lòng mở rộng cửa đón họ quay lại. Đây là bản lĩnh và là cái tâm của người lãnh đạo, quản lý” (Báo Tiền Phong, ngày 27-7-2013). Trong các buổi nghe học viên báo cáo kết quả học tập, ông Bùi Văn Tiếng thường nhắc nhở những người được thành phố “trải thảm”, đại ý rằng hợp đồng về pháp lý thì đương nhiên mang tính pháp lý, nhưng quan trọng hơn cả là hợp đồng lương tâm, là tình nghĩa giữa con người với con người. Hàm ý của ông là mong các học viên hiểu về sự chăm chút, sự trân trọng, sự kỳ vọng của thành phố…

Tính đến nay, đã có 472 lượt học viên tham gia Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố (Đề án 922), trong đó 376 người được cử đi đào tạo ở bậc ĐH (186 học trong nước, 190 học ở nước ngoài); đào tạo sau ĐH 96 lượt học viên (77 thạc sĩ và 19 tiến sĩ). Có 176 người tham gia Đề án đã tốt nghiệp (87 ĐH, 75 sau ĐH), trong đó 162 người được bố trí làm việc tại các cơ quan, đơn vị của thành phố; 14 người được bố trí công tác tại các đơn vị không thuộc thành phố…

Nói về khái niệm nhân tài, đây là khái niệm rất rộng. Một người được gọi là nhân tài phải hội đủ tất cả các phẩm chất cao quý về đạo đức, học vấn và khả năng cống hiến cho tổ chức, cho đất nước. Theo Dave Ulrich - GS nổi tiếng thế giới về quản trị nguồn nhân lực, hiện là GS của ĐH Michigan (Mỹ), một người được gọi là nhân tài khi hội đủ 3 điều kiện: có năng lực (Competence), có sự cam kết (Commitment), và có sự cống hiến (Contribution).

Trong một bài viết đăng trên tạp chí Sloan Management Review năm 1998, GS Dave Ulrich đã đề cập tầm quan trọng của năng lực và cam kết:

+ Năng lực: một cán bộ được đánh giá có năng lực khi người đó có kiến thức tốt và kỹ năng tốt để giải quyết một công việc đạt hiệu quả cao nhất trong hiện tại, và có tiềm năng thực hiện các công việc khác trong tương lai.

+ Cam kết: một cán bộ được đánh giá có sự cam kết với tổ chức khi người đó sẵn sàng cống hiến cho công việc. Thực tế, có những người rất muốn cống hiến cho tổ chức để tạo ra những giá trị tốt, nhưng lại không có năng lực. Trong khi đó, cũng có một số người giỏi, hội đủ năng lực và kỹ năng cần thiết nhưng lại không muốn làm, không muốn đóng góp hết mình cho tổ chức (những người này hay được gọi là “chỉ làm hết giờ, chứ không làm hết việc).

Tuy nhiên, chỉ có năng lực và cam kết thì vẫn chưa đủ để tạo thành một “nhân tài” thật sự. 12 năm sau, trong cuốn sách “The Why of Work: How Great Leaders Build Abundant Organizations That Win” được xuất bản năm 2010, GS Dave Ulrich đề cập thêm yếu tố thứ ba: cống hiến.  Một cán bộ được xem là có cống hiến cho tổ chức khi người đó luôn luôn ý thức được tầm quan trọng của công việc mà mình làm, và có mục tiêu rõ ràng để phấn đấu hoàn thành công việc đó. Nói cách khác, người đó cần có ý chí và quyết tâm cao vì công việc, phải làm đến cùng, và họ đạt được sự “viên mãn” trong từng công việc.

Nếu một người có kiến thức, có cam kết, nhưng lại không có quyết tâm, thì sẽ dễ dẫn đến việc có tư tưởng “bỏ việc giữa đường”, hay “làm được thì tốt mà không thì thôi”. Những người có ý chí, quyết tâm và cống hiến thường biết vì sao tổ chức cần mình, để từ đó phấn đấu làm việc vì mục đích mà tổ chức đã đặt ra.

Ba yếu tố này trên đây đã tạo thành Công thức nhân tài 3C của GS Dave Ulrich: Nhân tài = Năng lực x Cam kết x Cống hiến.

GS Dave Ulrich sử dụng phép tính nhân để thể hiện mối quan hệ của 3 yếu tố này (không phải là phép tính cộng). Việc sử dụng phép tính nhân đã nói lên một điều rằng, thành tích công việc là kết quả của sự cố gắng nỗ lực bằng tất cả tâm huyết, sức lực và trí lực của một cán bộ. Nó không chỉ đơn thuần là sự cộng lại của 3 yếu tố trên. Nếu một trong ba yếu tố bị thiếu đi thì người đó chưa phải là nhân tài.

Có thể thấy rằng, 3 cán bộ vi phạm hợp đồng đào tạo của thành phố đã thiếu từ 1-2 hoặc thậm chí thiếu cả 3 yếu tố trong công thức 3C. Cho nên, không thể nào gọi 3 cán bộ đó là nhân tài. Bởi vì, thành phố Đà Nẵng thân yêu chẳng bao giờ đi kiện nhân tài cả. Ngược lại, thành phố luôn rất trọng dụng nhân tài, nếu họ đúng là nhân tài thật sự.

NGUYỄN HỮU QUÝ

;
.
.
.
.
.