.

Nâng cao ý thức văn hóa giao thông

6 tháng đầu năm 2013, cả nước xảy ra 5.514 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 4.913 người, bị thương 3.465 người. So với cùng kỳ năm 2012 tăng 193 vụ, 255 người chết. Bình quân mỗi ngày, cả nước xảy ra hơn 30 vụ TNGT, làm 27 người chết và 19 người bị thương. Qua phân tích, các cơ quan chức năng đánh giá, nguyên nhân của hơn 80% vụ TNGT là do ý thức người tham gia giao thông kém. Tình trạng vi phạm Luật Giao thông rất phổ biến. Đơn cử như ngoài đua xe trái phép, hình ảnh nhiều thanh niên đi xe máy lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, điều khiển xe không đúng làn đường, phần đường đã được phân luồng, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông… xảy ra thường xuyên.

Đối với thành phố Đà Nẵng, nhờ triển khai nhiều biện pháp đồng bộ song song với xử lý vi phạm các chuyên đề “không uống rượu, bia khi tham gia giao thông”, “đội mũ bảo hiểm chất lượng”, “đi đúng phần đường, làn đường”...  nên 6 tháng đầu năm 2013, tình hình TNGT trên địa bàn giảm cả 3 tiêu chí. Cụ thể, với 118 vụ xảy ra, làm chết 64 người, bị thương 92 người, so với cùng kỳ năm 2012 giảm 18 vụ, giảm 1 người chết và 35 người bị thương. Qua công tác tuần tra xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, lập biên bản 58.608 trường hợp vi phạm, xử phạt 56.291 trường hợp, nộp kho bạc Nhà nước gần 29 tỷ đồng; tạm giữ 116 ô-tô, 3.009 mô-tô, tước giấy phép lái xe 4.206 trường hợp.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, đặc biệt trong tháng 8, tình hình TNGT diễn biến phức tạp. Toàn thành phố xảy ra 15 vụ TNGT đường bộ, làm 14 người chết, 11 người bị thương. Tất cả số liệu trên đều tăng so với tháng 7, trong đó tăng 5 vụ TNGT, tăng 3 người chết và tăng 5 người bị thương. Trong thời điểm các cơ quan chức năng của thành phố tập trung lực lượng nhằm bảo đảm kiềm chế TNGT thì những thống kê nói trên là điều rất bức xúc và đáng lo ngại. Bởi từ các đợt ra quân xử lý chuyên đề như chở quá số người quy định, học sinh vi phạm, kiểm tra nồng độ cồn, lạng lách, xe quá khổ quá tải, không đi đúng làn đường, không đội mũ bảo hiểm..., hàng chục ngàn trường hợp đã bị xử lý vi phạm. Điển hình, với chương trình xóa mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng, thành phố đã xây dựng nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm để trợ giá hơn 50% cho người dân. Đến nay, người dân thành phố đổi hơn 40.000 mũ, góp phần giúp thành phố hướng đến mục tiêu có 100% người dân đội mũ bảo hiểm bảo đảm chất lượng trong năm 2015. Bên cạnh đó, việc đưa vào trung tâm điều hành tín hiệu đèn giao thông và quản lý thiết bị hành trình, tiến tới xử phạt “nguội” đối với người vi phạm giao thông cũng sẽ giúp cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông của thành phố đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới... Tuy vậy, nỗi lo lớn nhất cũng là yếu tố quan trọng nhất phụ thuộc rất lớn vào ý thức văn hóa giao thông của từng người dân.

Năm 2013 được ngành Giao thông vận tải chọn là “Năm nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành Luật Giao thông” nhằm hạn chế, kéo giảm TNGT ở cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, những số liệu về TNGT không có xu hướng giảm mà liên tục tăng khiến cho cả xã hội lo ngại. Do vậy, việc nâng cao ý thức văn hóa giao thông mà trước hết là chấp hành nghiêm Luật Giao thông cần phải được tiếp tục chú trọng triển khai một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên để mỗi người dân tự ý thức trách nhiệm của mình thì phải cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, nhà trường, gia đình tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về văn hóa giao thông nhằm tạo thói quen hành xử có văn hóa. Ý thức văn hóa giao thông không chỉ dừng lại ở việc chấp hành Luật Giao thông mà phải biết nhường nhịn nhau khi đường ùn tắc, khi va chạm, biết giúp người khác bị tai nạn. Ý thức về văn hóa giao thông sẽ góp phần xây dựng nên hình ảnh về nếp sống có văn hóa, nhất là trong bối cảnh Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; từ đó xây dựng nên một hình ảnh thân thiện, đáng sống!

DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.