.

Nhà trưng bày và chủ quyền Hoàng Sa

714m2 là diện tích đất vừa được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thống nhất bố trí để xây dựng Nhà trưng bày UBND huyện Hoàng Sa. Nơi đây sẽ trưng bày các tư liệu, tài liệu, bản đồ, hiện vật, chứng cứ lịch sử... chứng minh chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa đã được UBND huyện sưu tầm, tiếp nhận trong nhiều năm qua.

Điều đặc biệt, khu đất này nằm ở mặt tiền con đường cũng mang tên Hoàng Sa (thuộc phường Mân Thái, quận Sơn Trà), khu vực mà theo lời lãnh đạo thành phố, nhu cầu sử dụng đất rất lớn nhưng thành phố ưu tiên để xây dựng công trình đặc biệt ý nghĩa này.

Quả thật như vậy, khi được xây dựng, Nhà trưng bày Hoàng Sa sẽ là một công trình đặc biệt, mang nhiều ý nghĩa. Từ khi chia tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đến nay, cơ quan thường trú của UBND huyện Hoàng Sa đóng tại Sở Nội vụ (132 Yên Bái, quận Hải Châu). Lâu nay, Sở Nội vụ bố trí một phòng trưng bày tất cả các tư liệu, tài liệu, bản đồ, hiện vật... về chủ quyền Hoàng Sa. Với không gian còn hạn chế như vậy, người dân, du khách ít có điều kiện tiếp cận với những bằng chứng về chủ quyền lãnh thổ. Chính vì vậy, xây dựng một nhà trưng bày riêng về Hoàng Sa quy mô hơn, trên một diện tích rộng lớn hơn không những khắc phục được hạn chế này, tạo điều kiện tốt hơn cho mọi người dân, du khách, người nước ngoài dễ dàng tìm đến với Hoàng Sa mà nơi đây còn là địa chỉ đỏ trong việc tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo và tình yêu quê hương đất nước.

Cũng từ khi chia tách tỉnh, giữa bao bộn bề công việc, công cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền Hoàng Sa - mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm - là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của thành phố Đà Nẵng. Năm 2009, sau khi quyết định bổ nhiệm chức danh Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, chính quyền, đoàn thể, chuyên gia và các cá nhân trên địa bàn thành phố liên tục có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều triển lãm... chứng minh, khẳng định chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam. Không chỉ vậy, nhiều công dân thành phố Đà Nẵng, người dân khắp nơi trong cả nước, kể cả người Việt ở nước ngoài, bằng nhiều hình thức khác nhau đã cung cấp rất nhiều tư liệu, bản đồ, hiện vật quý giá chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam. Những bằng chứng hùng hồn nhất, không thể chối cãi, những việc làm cụ thể trên sẽ càng có ý nghĩa và sức lan tỏa mạnh hơn một khi được trưng bày tại một nơi mà nó thuộc về - Nhà trưng bày Hoàng Sa - một “bảo tàng” sống động về chủ quyền đất nước, biểu tượng cho lòng tự tôn dân tộc.

Không lâu trước khi lãnh đạo thành phố quyết định chọn khu đất 714m2 xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa, cơ quan chức năng của Đà Nẵng liên tiếp phát hiện các vụ hành khách mang quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh mang theo những tấm bản đồ, cẩm nang du lịch vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Trong khi các tấm bản đồ in “đường lưỡi bò”, trong khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thì lại in tên thành quần đảo Tây Sa và Tam Sa của Trung Quốc, thì các cẩm nang du lịch in logo bản đồ Việt Nam nhưng không có Hoàng Sa và Trường Sa. Theo cơ quan chức năng, các ấn phẩm văn hóa do Trung Quốc xuất bản có in bản đồ Việt Nam không có Hoàng Sa, Trường Sa hoặc có in “đường lưỡi bò” là những thủ đoạn hết sức tinh vi, diễn ra nhiều lần, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Đây chỉ là một trong vô số thủ đoạn và hành động của Trung Quốc vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam trong suốt thời gian qua.

Nhắc đến điều này để thấy rằng, trong công cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền Hoàng Sa một cách kiên trì, bền bỉ, chúng ta không chỉ đối phó với những hành động ngang ngược trên Biển Đông mà còn phải đối phó với những thủ đoạn hết sức tinh vi ngay trên lãnh thổ nước nhà... Trong cuộc đấu tranh đó, chúng ta có lịch sử, có chân lý, có lẽ phải, chúng ta có sự thật bất di bất dịch rằng Hoàng Sa là một phần máu thịt không thể tách rời của Việt Nam.

Niềm tin và chân lý đó càng được thắp sáng và nhân lên khi nghĩ về Nhà trưng bày Hoàng Sa!

THẢO ĐÀ NAM

;
.
.
.
.
.