.

Quyết liệt với an toàn giao thông, trật tự đô thị

Hôm nay, thành phố đồng loạt ra quân bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) và trật tự đô thị. Đây là đợt ra quân dài hơi nhằm tạo chuyển biến rõ rệt theo chủ đề công tác ATGT năm 2013: “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”.

Ngay từ đầu năm 2013, việc đối phó với vấn nạn tai nạn giao thông (TNGT) được chú trọng, lãnh đạo thành phố đến các ngành, địa phương tập trung nỗ lực triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp hữu hiệu nhằm kiềm chế TNGT xảy ra trên địa bàn. Thành phố đã tiến hành bổ sung nhân sự Ban ATGT, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hành động của Chính phủ; các ngành, địa phương ra quân hưởng ứng “Tuần lễ ATGT đường bộ”; triển khai đồng loạt trên địa bàn thành phố chiến dịch tuyên truyền và cao điểm xử lý vi phạm tốc độ đối với doanh nghiệp vận tải và người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; triển khai tốt các dự án “Sáng kiến cải thiện tình trạng lạm dụng chất có cồn và điều khiển phương tiện”, “Tăng cường việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em”; các giải pháp chống ùn tắc giao thông trước cổng trường. Các tổ chức chính trị-xã hội triển khai vận động thành viên tổ chức mình thực hiện các biện pháp bảo đảm ATGT.

Công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị được chú trọng. Việc duy tu, sửa chữa đường sá được tiến hành thường xuyên, kịp thời. Đặc biệt, việc phân làn đường đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Thí điểm giao các hộ mặt tiền tham gia cùng Nhà nước quản lý vỉa hè trên một số tuyến đường được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Các công tác quản lý vận tải, tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trật tự ATGT được chú trọng đúng mức.

Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, tình hình TNGT trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, số vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra nhiều, thiệt hại về người vẫn ở mức cao. Công tác tuyên truyền vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn. Tình trạng người dân tham gia giao thông chưa chấp hành đúng các quy định về ATGT vẫn còn phổ biến. Các điểm nóng về TNGT, tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường giờ tan học vẫn chưa được khắc phục. Nhiều vấn đề bức xúc khác như xe ben chở quá trọng tải, gây mất vệ sinh đường phố; tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn xảy ra nhiều.

Một thực trạng đáng quan tâm là công tác bảo đảm ATGT triển khai nhiều kế hoạch, nhiều đợt ra quân nhưng còn mang tính pha đợt, làm theo kiểu phong trào. Nhiều chương trình, kế hoạch khi ra quân quyết liệt thì TNGT giảm rõ rệt, nhưng khi lực lượng chức năng rút thì tình trạng cũ lại tái diễn theo kiểu “ném đá ao bèo”.

Đợt ra quân cao điểm này kéo dài 5 tháng, từ 1-8 đến 31-12-2013, với sự tham gia của nhiều lực lượng, trong đó nòng cốt là ngành Giao thông -Vận tải, Công an, Giáo dục-Đào tạo, các địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội: Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, các phương tiện thông tin đại chúng... Mục tiêu của đợt ra quân được xác định tập trung kiểm tra kiểm soát xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm Luật Giao thông như chạy quá tốc độ; uống rượu bia trong khi điều khiển phương tiện giao thông, chở quá tải trọng; đón trả khách không đúng nơi quy định; đi sai phần đường; đi ngược chiều... Ngành giao thông vận tải tổ chức tổng kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong quản lý lái, phụ xe; lắp đặt thiết bị quản lý phương tiện; quản lý phương tiện vận tải khách. Có biện pháp khắc phục kịp thời các điểm có nguy cơ cao về trạm giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn; nâng cao chất lượng đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ và đường thủy...

Công tác tuyên truyền giáo dục, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin báo chí, tuyên truyền cổ động trực quan, biển báo giao thông… Đối tượng tuyên truyền cần quan tâm là học sinh các trường phổ thông, người lớn tuổi chấp hành tốt để nêu gương. Nội dung tuyên truyền về bảo đảm ATGT cần được quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, đơn vị, nhất là trong cán bộ, công chức Nhà nước, lực lượng vũ trang.

Thời gian lực lượng tham gia, mục tiêu đợt ra quân đã xác định cụ thể nhưng đối tượng “đấu tranh” thì quá phức tạp, nửa cụ thể, nửa vô hình. Muốn thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông cần kết hợp chặt chẽ giữa việc tuyên truyền, giáo dục và biện pháp xử phạt, răn đe và công việc này cần phải có thời gian, không thể một sớm một chiều. Công tác tuyên truyền, giáo dục về ATGT đòi hỏi phải thường xuyên, liên tục, lâu dài, cần sự kiên trì chứ không thể theo phong trào, chiến dịch, từng đợt.

Chủ trương bảo đảm ATGT và thiết lập trật tự đô thị đang đối diện với những trở ngại như tập quán buôn bán đường phố, hàng rong. Trong tình hình kinh tế, đời sống của các tầng lớp nhân dân hiện nay, buôn bán nhỏ, “buôn gánh bán bưng” như là một cứu cánh đối với không ít gia đình nghèo đô thị, nông dân không còn đất sản xuất. Họ không đủ sức kiếm được một chỗ bán hàng trong chợ chứ đứng nói đến có sạp, quầy hàng. Một đô thị văn minh, hiện đại cần thiết có hàng rong, buôn bán vỉa hè? Nếu cần thiết thì có giải pháp thỏa đáng, vừa bảo đảm trật tự đô thị, vừa đáp ứng nhu cầu mưu sinh của người dân.

Nhiều vấn đề khác như quy định “Nói không với rượu bia khi tham gia giao thông” sẽ xử lý vi phạm như thế nào nếu các tiệc cưới, giỗ chạp, đình đám đều đãi khách (những người sẽ tham gia giao thông sau khi tan tiệc) bằng bia, rượu?. Rồi nữa, nhu cầu cuộc sống luôn phát triển, sẽ xuất hiện nhiều dịch vụ mới (như đưa đón khách chẳng hạn), có bị cho là xe dù, bến cóc hay không? Có bị cho là vi phạm trật tự đô thị hay không?... Ngoài các giải pháp căn cơ, thiết nghĩ, những chuyện nhỏ nhặt trên cần được quan tâm để mục tiêu đợt ra quân bảo đảm ATGT, lập lại trật tự đô thị thu được kết quả bền vững.

TƯỜNG VY

;
.
.
.
.
.