.

Sức ép hậu "heo vàng"

Cách đây tròn 6 năm (năm Đinh Hợi 2007), nhiều ông bố, bà mẹ vui mừng vì con mình sinh đúng năm mà dân gian gọi là “heo vàng”. Cũng vì vậy, số trẻ sinh ra thời điểm đó tăng đột biến khi nhiều gia đình tính toán thời gian để sinh bằng được quý tử. Khi đó, áp lực đối với ngành y tế đè nặng bởi việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em nhiều nơi tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba. Khoa sản, khoa nhi nhiều bệnh viện vì thế quá tải nghiêm trọng.

Còn bây giờ, câu chuyện hậu “heo vàng” của 6 năm trước đang trở thành vấn đề rất đáng quan tâm của toàn xã hội, gây sức ép rất lớn đối với ngành giáo dục nhiều địa phương trong bối cảnh cả nước cho trẻ em bước vào lớp 1 năm học 2013-2014. Tâm lý thấp thỏm, lo lắng khi đỏ mắt mà không tìm ra chỗ học vừa ý cho con đang bao trùm nhiều gia đình có con sắp vào lớp 1. Thức khuya, dậy sớm, thậm chí phải chen lấn, xô đẩy để nộp hồ sơ cho con là hình ảnh rất dễ nhận thấy trong thời gian qua tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là ở những thành phố lớn. Nhiều gia đình phải chấp nhận con mình học trong một lớp với sĩ số đông hơn từ 10 - 20% so với quy định của lớp học chuẩn.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố hôm qua (19-8), người đứng đầu ngành GD-ĐT thành phố cho biết đang gặp một số trở ngại trong công tác tuyển sinh vào lớp 1 và phải khẩn trương tổ chức tuyển dụng 283 giáo viên tiểu học để giải quyết lượng học sinh tiểu học tăng đến gần 2.800 em so với năm học trước. Ngặt nỗi, số giáo viên được đào tạo trình độ bậc tiểu học hiện quá ít so với nhu cầu. Do vậy, việc tuyển dụng giáo viên bậc THCS và THPT để dạy ở bậc tiểu học đang được vận dụng nhằm đạt chỉ tiêu. Vấn đề đặt ra ở đây là dù tuyển dụng đủ số lượng nhưng cần có thời gian để đội ngũ giáo viên mới được tuyển dụng làm quen và thuần thục với phương pháp, kiến thức, tâm lý và kỹ năng cơ bản khi dạy học sinh tiểu học, nhất là ở lớp 1. Bên cạnh đó, khi số lượng học sinh tăng thì phương án cần thiết nhất là tăng trường, tăng lớp. Tuy nhiên, trường lớp mở mới không theo kịp số học sinh tăng sẽ bắt buộc dẫn đến tình trạng tăng sĩ số, giảm số lớp học 2 buổi, giảm bán trú.

Trong khi đó, theo Nghị quyết HĐND thành phố, phấn đấu đến năm học 2015-2016, 100% học sinh tiểu học của thành phố được học 2 buổi/ngày, năm học 2016-2017 tất cả học sinh tiểu học biết bơi. Tuy nhiên, việc gia tăng gần 2.800 học sinh tiểu học trong năm học 2013-2014 sẽ tạo thêm những áp lực và khó khăn cho ngành giáo dục trong việc đầu tư, nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng học, bể bơi để các trường đủ điều kiện cần thiết hoàn thành mục tiêu nói trên. Tuy vậy, vấn đề gây lo lắng nhất đối với các cơ quan quản lý chính là việc học sinh đầu vào lớp 1 tăng, tạo nhiều nguy cơ dẫn đến hiện tượng tiêu cực như chạy lớp, chạy trường, gây bức xúc cho toàn xã hội. Nhiều trường điểm trong khu vực trung tâm thành phố có triển khai học hai buổi và tổ chức bán trú sẽ được nhiều gia đình chọn lựa và dùng nhiều biện pháp để đưa con mình vào học.

Điều đáng mừng là sau hiện tượng chạy hộ khẩu để con em vào các trường điểm mà báo chí phát hiện và nêu cách đây không lâu, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của UBND thành phố, hiện tượng tiêu cực như chạy lớp, chạy trường và thái độ nhũng nhiễu, gây phiền hà trong cán bộ quản lý, giáo viên của nhiều trường điểm của thành phố trong công tác tuyển sinh được siết chặt và đi vào kỷ cương. Tuy vậy, vấn đề phòng ngừa, ngăn chặn bằng các biện pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát là điều cần thiết phải tiến hành thường xuyên hơn để tạo môi trường giáo dục công bằng, lành mạnh hơn.   

Sau “heo vàng”, có một thời gian người dân sính sinh con năm “rồng vàng”, “trâu vàng”. Vì vậy, bài học lớn được rút ra trong câu chuyện sinh con ồ ạt trong cùng một năm chính là chất lượng giáo dục, chất lượng chăm sóc y tế sẽ bị ảnh hưởng theo hướng không có lợi. Điều này phải được từng người cha, người mẹ có trách nhiệm suy nghĩ, hành động chín chắn hơn để giảm áp lực cho gia đình và toàn xã hội trong tương lai.

DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.