.

Tái triển khai dự án và chuyện cam kết

Trong tháng 8-2013, nhiều cuộc họp xem xét rà soát quy hoạch các dự án đầu tư xây dựng được lãnh đạo thành phố đưa ra mổ xẻ và có quyết định cuối cùng về số phận của các dự án.

Quận Hải Châu có 20 dự án trong diện rà soát quy hoạch và các dự án đầu tư xây dựng tại trung tâm thành phố vốn gây bức xúc cho người dân và chính quyền địa phương. Dự án đầu tư kéo dài, đất có sinh lợi thương mại cao nhưng không đưa vào khai thác kinh doanh dịch vụ ảnh hưởng đến sức đầu tư phát triển kinh tế, mặt khác tác động xấu đến cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường.

Theo Sở Xây dựng, khu vực trung tâm thành phố có 3 dự án quy hoạch và đầu tư xây dựng dang dở: Dự án Tòa tháp đôi cao 220m Viễn Đông Meridian Towers (với 3 mặt tiền Yên Bái - Hùng Vương - Nguyễn Chí Thanh - quận Hải Châu) do Công ty cổ phần Địa ốc Viễn Đông (Viendong Land) làm chủ đầu tư, xây dựng trên diện tích quy hoạch xây dựng 11.200m2, khởi công từ năm 2009.  Dự án Golden Square do Công ty CP Địa ốc Đông Á đầu tư có diện tích 10.664m2 tại khu tứ giác Phạm Hồng Thái - Yên Bái - Hùng Vương - Nguyễn Chí Thanh. Dự án Khu phức hợp Danang Center (với 3 mặt tiền Phan Châu Trinh - Hùng Vương - Nguyễn Thị Minh Khai) do Công ty CP Địa ốc Vũ Châu Long làm chủ đầu tư, diện tích quy hoạch xây dựng 8.450m2, khởi công từ tháng 3-2008, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2011.

Theo UBND thành phố, chủ đầu tư hai dự án đầu tiên đã đưa ra phương án triển khai cụ thể và thể hiện trách nhiệm của nhà đầu tư, trong đó một dự án triển khai trở lại ngay trong quý IV-2013, một dự án triển khai đầu năm 2014. Riêng dự án Trung tâm phức hợp Danang Center, Công ty CP Địa ốc Vũ Châu Long chưa đưa ra tiến độ triển khai thi công nên UBND thành phố sẽ theo dõi, xem xét việc thu hồi dự án và kêu gọi các chủ đầu tư khác thực hiện.

Vấn đề các dự án chậm triển khai luôn đi liền với giải pháp quản lý Nhà nước là thu hồi dự án. Đã rất nhiều lần UBND thành phố ra tối hậu thư thu hồi các dự án trên song vấp phải khó khăn khi các nhà đầu tư đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất.

Nhiều người hoài nghi về tính khả thi trong việc thu hồi dự án đầu tư và điều này cũng không riêng gì với chính quyền thành phố Đà Nẵng mà diễn ra ở cả nước. Cơ chế Nhà nước thu hồi đất đối với đất của các dự án “chậm triển khai” trong pháp luật mà cụ thể ở Luật Đất đai năm 2003 còn hiệu lực và việc thu hồi dự án nghe có vẻ mạnh nhưng sự thực là thiếu sức sống. Khi nhà đầu tư đã nhận đất thì họ phải trả tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất, sau đó là một số đầu tư tối thiểu như quy hoạch chi tiết, san nền, xây tường rào. Nếu chính quyền địa phương thu hồi đất “treo” thì phải trả lại tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất và những tiền đã đầu tư trên đất cho nhà đầu tư. Mặt khác, cơ quan Nhà nước lại phải tìm một nhà đầu tư khác chịu xuất tiền trả nhà đầu tư trước để tiếp tục thực hiện dự án đầu tư. Từ đây, câu chuyện tìm nhà đầu tư khác thế chân cũng là quá khó, nhất là đối với các dự án có quy mô đầu lớn và trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay.

Động thái cam kết tái triển khai dự án của các chủ đầu tư tại khu vực trung tâm thành phố hiện nay hiển nhiên là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, không vì khó khăn trong việc hoàn vốn từ ngân sách cho nhà đầu tư mà để cho các nhà đầu tư tiếp tục vi phạm cam kết.

Bộ Xây dựng hiện đang soạn thảo các cơ chế chính sách để kiểm soát tình hình dự án quy hoạch chậm triển khai, trong đó có đề xuất chuyển mục đích sử dụng tạm mặt bằng quy hoạch. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Đặng Hùng Võ cũng vừa có nghiên cứu góp ý về biện pháp tăng hiệu quả trong xử lý các dự án “treo”. Theo đó, thay cơ chế thu hồi đất “treo” bằng cơ chế tăng thuế, nộp tiền sử dụng đất bổ sung hoặc tăng tiền thuê đất đối với đất “treo” mà nhà đầu tư phải nộp. Từ biện pháp này, nhà đầu tư phải tự cân nhắc, nộp tiền thêm để giữ đất hay tìm nhà đầu tư khác để chuyển nhượng dự án. Đó là việc nhà đầu tư tự phải làm.

Trở lại với các dự án nhà đầu tư chậm triển khai tại thành phố Đà Nẵng, cụ thể nếu chủ dự án tiếp tục vi phạm cam kết tiến độ đầu tư cũng cần áp dụng các cơ chế tài chính bổ sung như áp dụng thu chi phí quản lý mặt bằng, tăng thuế thuê đất để giữ kỹ cương trong quản lý quy hoạch các dự án đầu tư xây dựng.

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.