.

Tất cả vì sự nghiệp "trồng người"

1. Mặc dù tình hình kinh tế cả nước nói chung và thành phố nói riêng đang trong tình trạng suy giảm, nhưng trong tháng 7 vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư cải tạo các nhà vệ sinh hiện xuống cấp và xây mới nhà vệ sinh còn thiếu tại 62 trường học trên địa bàn thành phố trong năm học 2013-2014, với tổng mức đầu tư hơn 45,3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố.

Trong đó, địa bàn quận Hải Châu có 10 trường, quận Thanh Khê 10 trường, quận Sơn Trà 8 trường, quận Ngũ Hành Sơn 8 trường, quận Liên Chiểu 5 trường, quận Cẩm Lệ 7 trường và huyện Hòa Vang 14 trường.

Bước vào năm học mới, với những công trình vệ sinh mới, cũng đồng nghĩa việc từ nay cán bộ, giáo viên và học sinh ở nhiều trường học không còn cảnh chen lấn trong những khu vệ sinh chật chội, xuống cấp.

Quan trọng hơn không phải là chuyện nhà vệ sinh mới hay cũ, mà điều này cho thấy lãnh đạo thành phố luôn quan tâm, dành sự ưu ái, chăm lo đặc biệt đối với sự nghiệp GD-ĐT. Bởi trong thực tế, do tình hình kinh tế khó khăn, từ đầu năm đến nay, hầu hết các công trình, dự án đầu tư công của các ngành, các cấp đều tạm gác lại hoặc chỉ đầu tư cầm chừng mà thôi. Còn nếu nhìn xa hơn, ở các địa phương khác trong cả nước cho đến thời điểm này, chưa có nơi nào đầu tư nguồn ngân sách lớn như vậy cho việc sửa chữa các công trình vệ sinh ở trường học.

2. Bên cạnh sự tất bật chăm lo sửa chữa phòng học, phòng bộ môn, mua sắm trang thiết bị dạy học phục vụ năm học mới của ngành GD-ĐT, trong những ngày qua còn có sự đồng hành, tiếp sức của cộng đồng xã hội đối với học trò nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Dù không ai bảo ai, nhưng bằng ý thức, trách nhiệm của mình, các doanh nghiệp, mạnh thường quân, các tổ chức xã hội đã và đang tiếp tục đứng ra vận động, ủng hộ áo quần, sách vở, cặp cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Hơn lúc nào hết, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách” đã và đang được thể hiện thông qua những suất học bổng tuy không nhiều nhưng mang đậm tình người dành cho các học sinh nghèo. Và đáng mừng hơn, câu chuyện tình thương, lòng nhân ái còn được nhen nhóm trong lòng các em nhỏ thông qua việc học sinh ở một số trường tiểu học như: Trần Văn Ơn (quận Hải Châu), Trần Cao Vân (quận Thanh Khê)… dành dụm những đồng bạc lẻ tiền bố mẹ cho ăn sáng để “nuôi heo đất”, hoặc đóng góp vào quỹ từ thiện của nhà trường để chia sẻ tấm áo hay chiếc cặp sách cho bạn nghèo cùng trường.

3. Trước thềm năm học mới, lãnh đạo thành phố, mọi người trong xã hội tiếp tục đầu tư, làm nhiều việc thiết thực để chăm lo cho sự nghiệp GD-ĐT, hay nói cách khác là chung tay góp sức cho sự nghiệp “trồng người”, với mong muốn cốt để thế hệ trẻ có một môi trường, điều kiện học tập thuận lợi nhất, phát huy tài năng của mình. Điều được trông đợi nhất là những thành quả trong công tác dạy và học, là những điểm 10 rực rỡ, là môi trường “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, để học trò mỗi ngày đến trường là một niềm vui.

ANH THY

;
.
.
.
.
.